Dân sinh

Nhọc nhằn mùa hoa Tết ở làng cúc trứ danh

Nằm cách Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 40km, làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 được xem là thủ phủ hoa cúc của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

“Ngôi làng của mùa xuân”

Mỗi độ xuân về, “rừng” hoa cúc (ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lại đua nhau khoe sắc vàng rực rỡ, tỏa ngát hương thơm, như tô điểm cho đất trời, khiến ai nấy ngang qua đều hồ hởi về một cái Tết đang đến rất gần. Chính vì điều này mà nơi đây được mệnh danh là “ngôi làng của mùa xuân”.

Từ lâu, hoa cúc Ninh Giang được nhiều người biết đến bởi nét đặc thù riêng mà nơi khác không có: màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh, chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết. Nét đẹp riêng biệt ấy đã giúp hoa cúc Ninh Giang có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Đến nay, ở hầu hết các tổ dân phố của phường Ninh Giang đều trồng hoa cúc chậu bán vào dịp Tết, nhưng tập trung nhiều nhất là ở tổ dân phố Phong Phú 2. Trước năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra, 70% lượng hoa của làng được các thương lái mua tại vườn, còn lại 30% được người trồng đưa đi bán trực tiếp để thăm dò thị trường.

Để có được hương sắc ngày xuân, người trồng hoa phải trải qua nhiều công đoạn vất vả cả năm trời mới cho ra một vụ hoa xuân.

Đến đầu tháng 4 âm lịch, người dân lo tìm vùng đất cao để ươm và nhân giống. Khi có đủ cây con, người trồng đưa cây giống vào chậu và bắt đầu chong đèn để kích thích cho cây non, phát triển chiều cao, không đóng nụ sớm. Chăm sóc cho đến tháng 11 âm lịch, thì bắt đầu ngắt điện để cây đóng nụ và tiến hành chọn nụ; mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to.

Cuối tháng Chạp hàng năm, làng hoa cúc Ninh Giang lại rộn ràng những chuyến xe nối đuôi nhau chở hoa cúc đi tiêu thụ khắp cả nước.

Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ 20 tháng chạp Âm lịch để cùng khoe sắc với các loài hoa khác trong dịp Tết. Với bề dày kinh nghiệm, người dân trồng hoa ở Ninh Giang ngày càng chuyên sâu trong kỹ thuật trồng, điều chỉnh hoa nở đúng vụ, đúng thời điểm, giữ màu hoa lâu phai, lâu tàn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.

Nhọc nhằn mùa hoa Tết

Theo UBND phường Ninh Giang, hiện nay, làng có 2 loại chủ yếu là hoa cúc đại đóa và pha lê. Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi năm làng sản xuất từ 155.000 đến 170.000 chậu cúc các loại bán ra thị trường vào dịp Tết. Hộ trồng nhiều phải hơn 1.000 chậu, hộ ít cũng độ 100 chậu. Doanh thu mỗi năm ước tính khoảng 13 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên số lượng người trồng hoa giảm mạnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Chiếm Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên vụ hoa Tết Nhâm Dần giảm về số người trồng lẫn số lượng chậu hoa. Năm nay, chỉ có 90 hộ trồng với số lượng ước khoảng 25.000 chậu. Trong khi năm ngoái, vì dịch bệnh số lượng trồng đã giảm so với các năm trước, nhưng vẫn có 123 hộ trồng với hơn 40.000 chậu hoa các loại”.

Sở dĩ, số lượng giảm mạnh vì người dân có tâm lý lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa, nên không dám đầu tư chi phí để trồng. Thậm chí, có hộ nghỉ hẳn không trồng vụ hoa Tết này.

Bên cạnh đó, thời điểm cho cây con vào chậu cũng là lúc địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, người dân được yêu cầu ở nhà nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng hoa Tết. Trong khi đó, những hộ gia đình phải đi thuê đất để trồng hoa không thể di chuyển qua các địa phương khác nên gặp không ít khó khăn.

“Một nguyên nhân khác khiến số lượng hoa giảm là do quỹ đất trống ở địa phương ngày càng bị thu hẹp. Trước đây, người dân tận dụng những khu đất chưa xây dựng nhà cửa để trồng hoa. Hiện nay, diện tích này không còn nhiều. Trong khi đó, quỹ đất dành riêng để trồng hoa ở phường thì chưa có”, ông Đạt cho biết thêm.

Hoa cúc Ninh Giang nổi danh với màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn.

Chưa kể, mùa hoa Tết này người dân còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư cho vụ hoa tăng cao.

Ông Trần Minh Tự - người trồng hoa lâu năm ở địa phương và là Tổ trưởng Tổ hợp tác – liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống Ninh Giang cho biết: “Tuy chúng tôi đã nhân được giống cây con, nhưng vẫn phải mua cây giống F1 từ Đà Lạt về để ươm. Giá hoa cúc giống mua từ Đà Lạt về năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Năm 2020, cây giống F1 có giá từ 400.000 – 500.000 đồng/thiên, thì năm nay tăng lên từ 500.000 – 600.000 đồng/thiên. Thế nên, giá cây con bán ra ở địa phương cũng tăng lên. Cùng với đó, giá cả vật tư nông nghiệp cũng tăng từ 10-15% so với năm ngoái nên đã đội chi phí lên cao.”.

Theo ông Tự, năm nay, giá cây con mà tổ hợp tác bán ra là 190.000 đồng/thiên, tăng 30.000 đồng/thiên so với năm ngoái. Ngoài cung cấp giống cho bà con ở địa phương, tổ hợp tác còn bán giống cây con cho người trồng hoa ở các tỉnh thành khác như Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu… Lo lắng vì hoa khó tiêu thụ do dịch bệnh cộng với chi phí tăng thêm, nên vụ hoa phục vụ Tết Nhâm Dần ông Tự chỉ trồng 200 chậu, giảm 500 chậu so với năm ngoái.

Còn ông Trần Khai, người trồng hoa ở phường Ninh Giang cũng bày tỏ nhiều trăn trở. Ông trải lòng: “Vì là nghề truyền thống nên tôi vẫn cố gắng bám trụ, nhưng do dịch bệnh nên không dám trồng nhiều như mọi năm. Mùa hoa Tết năm nay, tôi chỉ trồng khoảng 300 chậu, giảm 100 chậu so với năm ngoái”. Trong khi chi phí về phân thuốc, cây cắm, dây cột… đều tăng so với cùng kỳ, nên ông Khai khá lo lắng cho đầu ra của hoa cúc dịp Tết năm nay.

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết năm nay cũng không thuận lợi cho vụ hoa Tết. Vì ảnh hưởng của bão và vùng áp thấp nhiệt đới gây mưa to, kéo dài nhiều ngày khi hoa đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển dẫn đến cây hoa bị cháy lá chân, chất lượng hoa bị ảnh hưởng, chi phí phân thuốc xử lý cũng theo đó tăng lên khiến người nông dân khó càng thêm khó.

Trong khi hàng năm, thời điểm tháng 10, 11 âm lịch các thương lái đã đến đặt mua, chốt số lượng cũng như giá cả thì năm nay đầu ra cho sản phẩm là trăn trở, lo âu lớn nhất của người trồng hoa khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Clip: Người trồng hoa chăm sóc hoa cúc Tết.

Làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016. Làng có 147 hộ trồng hoa với 250 lao động và một Tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống. Lúc thành lập tổ chỉ có 5 thành viên, hiện nay đã lên 21 thành viên.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang”.

Châu Tường