Tiêu dùng & Dư luận

"Nhờ" thương lái Trung Quốc, vảy cá thành hàng "hot", mực tồn hàng ngàn tấn

Vảy cá từ hàng bỏ đi bỗng một bước thành hàng "hot". Trong khi đó, sau thời gian lên đỉnh, giá mít đã lao dốc thảm hại, hàng ngàn tấn mực khô cũng nằm kho chờ thương lái Trung Quốc...

Vảy cá thành hàng “hot”

Một hiện tượng lạ đang xảy ra tại làng khô Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ở đây giá vảy cá hiện tại là 5.000 đồng/kg. Trong khi khởi điểm vào 2 năm trước chỉ 500 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 2.000 đồng/kg. 

Một số thương lái từ nơi khác đến muốn mua tranh sẵn sàng trả 10.000 đồng/kg, thậm chí 12.000 đồng/kg. Bao nhiêu vảy cá cũng mua hết.

Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP khô Tứ Quý (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) – khi trao đổi với báo Tuổi trẻ có cho biết, nhiều thương lái nhờ ông thu gom vảy từ những hộ làm khô, chủ yếu là vảy cá lóc, cá sặc. Giá cả cũng "nhảy múa" tăng liên tục, tuy nhiên ông Bình từ chối vì nếu trữ vảy cá sẽ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh ruồi, ảnh hưởng đến chất lượng khô.

Thương lái Trung Quốc đang ồ ạt thu mua vảy cá với giá cao. (Ảnh: Dân Việt)

Bà Võ Thị Lệ Hoa, một hộ làm khô ở làng nghề khô Phú Thọ đã thu gom cho một thương lái ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp gần 1 năm nay. Bà yêu cầu đặt cọc 20 triệu đồng mới đồng ý mua gom.

"Không biết sao mà giá lên luôn luôn. Nhiều người mua giành, trả giá gấp đôi mà không dám bán cho họ. Họ nói mua về làm hàng xuất khẩu mà cũng không biết họ làm gì", bà Hoa nói với báo Tuổi trẻ

Trước đó, thời điểm cuối tháng 12/2018, các hộ gia đình ở huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng thi nhau đánh vảy cá để bán cho thương lái với giá 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hường – một chủ cơ sở chế biến khô ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang cho biết, mỗi ngày nhà bà làm khoảng 10 tấn cá sặc bổi để làm khô. Lượng vảy thải ra tương đương 600 kg.

Thời điểm cuối năm 2018, bà Hường nói: "Hơn hai năm trước, có người đến bao tiêu toàn bộ vảy cá với giá 1.200 đồng mỗi kg nên tôi bán luôn, thay vì bỏ đi", và cho biết khoảng 4 - 5 ngày là lái cho xe tải tới cân và chở vảy cá đi, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nhưng hỏi làm gì thì họ không nói.

Mít rớt giá thảm hại, mực tồn hàng ngàn tấn

Sau thời gian ở mức cao ngất ngưởng, giá mít hiện đang rớt giá thảm hại, chỉ còn duy trì ở mức 12.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ, trong quý 1 năm nay, giá mít trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng đột biến, đỉnh điểm 70.000-80.000 đồng/kg. Đến đầu quý 2, giá mít lại lao dốc không phanh, giảm 30.000 đồng/kg và ngày 7/6 giá mít Thái mua tại vườn chỉ còn 12.000-15.000 đồng/kg.

Ông Trần Minh Chánh ở xã Lộc Hòa, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có 20ha mít Thái - Ảnh: B.L.

Chị Vân - tiểu thương nhiều năm buôn bán trái cây ở chợ Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - cho hay giá mít xuống thấp do thương lái Trung Quốc ngừng mua loại trái cây này.

Trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây trong khu vực đã có kế hoạch sản xuất hoặc có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không "tham gia" mua mít với giá… trên trời. Những nguyên nhân này đẩy người nông dân vào tình trạng được mùa mất giá, thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, mít không phải mặt hàng duy nhất bị phía Trung Quốc “boom hàng”. Theo đó, hàng ngàn tấn mực xà đánh bắt về không xuất khẩu được, hàng loạt tàu câu mực phải nằm bờ... khiến nhiều ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi điêu đứng.

Riêng huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tồn gần 1.000 tấn mực khô do không xuất khẩu được

Theo các cơ quan chức năng, do phía Trung Quốc - thị trường duy nhất nhập khẩu loại sản phẩm này - đã siết lại chính sách nhập khẩu, yêu cầu sản phẩm phải được nhập chính ngạch có truy xuất nguồn gốc, trong khi các đầu mối xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thay đổi dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng.

"Không bán được hàng, lấy đâu ra chi phí cho chuyến biển tới nên các thuyền viên trên tàu rất lo lắng như ngồi trên đống lửa" - ông Huỳnh Quốc Việt (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) tâm sự với PV báo Tuổi trẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, chỉ riêng địa phương này hiện đang ứ đọng gần 1.000 tấn mực khô do không xuất khẩu được, khoảng 50 chiếc tàu phải nằm bờ khiến ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Đình Văn