Xu hướng thị trường

Nhờ đâu đại gia BOT mới nổi "bỏ túi" hơn 1.000 tỷ đồng/tháng?

Chỉ sau chưa đầy 1 tháng lên sàn, cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà đã tăng gấp hơn 5 lần giúp cổ đông doanh nghiệp này "bỏ túi" hơn 1.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến chuỗi ngày bứt phá ấn tượng thuộc hàng số 1 của cổ phiếu BOT của CTCP BOT Cầu Thái Hà. Lên sàn UPCoM hôm 14/2, chỉ sau khoảng 1 tháng, cổ phiếu BOT đã tăng phi mã hơn 5 lần lên mức 52.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 15/3). Ngày 7/3, thậm chí mã cổ phiếu này còn được giao dịch quanh mức giá gần 60.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, cổ phiếu BOT vẫn đang ở mức 52.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 5 lần mức giá chào sàn 10.000 đồng.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố thì ông Ngô Tiến Cương và người liên quan đang đứng tên sở hữu phần lớn BOT Cầu Thái Hà.

Được biết, ông Ngô Tiến Cương là người đại diện Công ty TNHH Tiến Đạt Phát sở hữu 23,79 triệu cổ phần BOT (tương đương gần 59% vốn); ông Ngô Tiến Cường (anh trai ông Cương) sở hữu hơn 1,8 triệu cổ phần; bà Nguyễn Thị Lan Hương nắm giữ hơn 2,7 triệu cổ phần (6,81%); CTCP CNC Capital Vietnam 7,6 triệu cổ phần (19%) và CTCP PIV 3,95 triệu cổ phần (9,88%).

Như vậy, với việc sở hữu gần 24 triệu cổ phiếu cùng mức tăng hơn 5 lần của cổ phiếu BOT Thái Hà, chỉ sau chưa đầy 1 tháng ông Ngô Tiến Cương đã bỏ túi thêm hơn ngàn tỷ. 

Từ khi lên sàn UPCoM, đây không phải thời điểm duy nhất ghi nhận mức tăng phi mã của cổ phiếu BOT Thái Hà. Ngày 4/3 vừa rồi ghi nhận là ngày thứ 12 tăng điểm liên tiếp của cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà khi mã cổ phiếu này kết phiên trong sắc vàng ở mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong 12 phiên tăng điểm liên tiếp có 10 phiên tăng trần và 2 phiên tăng điểm. Từ mức giá chào sàn 10.000 đồng/cổ phiếu, sau 16 ngày lên sàn, giá trị cổ phiếu BOT Thái Hà đã nhảy vọt lên đến 51.000 đồng, tốc độ tăng trưởng 410%.

Lý giải cho việc cổ phiếu BOT tăng ấn tượng và là quán quân tăng giá trên TTCK trong giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3 là do triển vọng của doanh nghiệp này với nguồn thu từ cầu Thái Hà.

Tuy kết quả kinh doanh hết sức khả quan nhưng BOT Cầu Thái Hà lại đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 khá dè dặt, chỉ khoảng 88,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Công ty cũng chưa có dự kiến tăng vốn điều lệ đến năm 2020.

Năm 2014, Công ty TNHH Tiến Đại Phát và 2 doanh nghiệp khác được phê duyệt đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức BOT.

CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư được chọn trên, với vốn điều lệ ban đầu 245 tỷ đồng. Tháng 10/2018 BOT Cầu Thái Hà thực hiện tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng trước khi lên sàn vào 14/2/2019.

Trạm thu phí Cầu Thái Hà.

Dự án xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình-Hà Nam khởi công cuối tháng 10/2014, tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 245,95 tỷ đồng, tương đương 14,71%; vốn vay tín dụng: 1.425,815 tỷ đồng, tương đương 85,29%). Thời gian thu phí dịch vụ đường bộ dự kiến là 16 năm 7 tháng.

Công trình được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016, khai thác, sử dụng từ ngày 3/4/2018.

Dự án gồm phần cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng và phần đường dẫn phía Thái Bình, Hà Nam với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,5km. Theo đó, điểm đầu của dự án kết nối vào tuyến nối hai cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, thuộc địa phận xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam); điểm cuối tuyến vượt sông Hồng, kết nối với tuyến phía Thái Bình thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.