Quân sự

Nhờ "bùa hộ mệnh" S-400, Thổ Nhĩ Kỳ mới thoát nguy cơ bị Nga "bật đèn xanh" tấn công ở Syria?

Nếu không có hợp đồng mua S-400 hiện tại, Nga rất có thể đã bật đèn xanh cho một cuộc tấn công vào Idlib, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế khó khăn.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib có thể bị phá vỡ khi HTS ngày càng lớn mạnh.

Idlib tiếp tục nóng

Tình hình Idlib tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi thỏa thuận giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi vào tháng 9/2018 không thể ngăn chặn tình hình đối đầu giữa quân Chính phủ Syria và nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Ankara đang ngày càng lo ngại về một hoạt động toàn diện của các lực lượng Chính phủ do Nga và Iran hậu thuẫn nhằm đưa khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Damascus, theo Al-Monitor.

Chủ đề này dự kiến ​​sẽ là tâm điểm trong cuộc đàm phán về Syria giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran - tại thủ đô Astana của Kazakhstan trong tuần.

Gặp mặt đặc phái viên của Nga tại Syria Alexander Lavrentiev tuần trước, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng thỏa thuận Sochi đã thất bại trong việc loại bỏ những kẻ khủng bố thánh chiến ở Idlib. Ông Assad nhấn mạnh thỏa thuận đã bị vi phạm trong khi Ankara đổ lỗi cho quân Chính phủ làm leo thang tình hình ở Idlib.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây báo cáo rằng Damascus đã tổ chức 6.422 vụ tấn công ở Idlib chỉ trong tháng 3.

Do quan tâm đến mối quan hệ đang phát triển với Moscow, Ankara được cho là đã kiềm chế trong việc chỉ trích Nga, mặc dù các máy bay Nga cũng tham gia vào các hoạt động ở Idlib trong các ngày gần đây.

Theo thỏa thuận Sochi, Nga và Damascus muốn các nhóm thánh chiến ở Idlib phải giải giáp vũ khí hạng nặng, bắt đầu với HTS – nhóm có lực lượng mạnh nhất. Trong thời gian qua, Moscow được cho là không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ không thành công trong việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Sochi mặc dù ghi nhận các nỗ lực của nước này.

Để làm dịu tình hình, Ankara, Moscow gần đây đã quyết định tổ chức các cuộc tuần tra trên không để theo dõi tình hình ở Idlib. Trong khi đó, Iran cũng đang kêu gọi HTS phải bị xóa khỏi Idlib.

Mối quan tâm chính của Ankara là một hoạt động lớn ở Idlib sẽ làm nổ ra làn sóng tị nạn khác tới biên giới nước này, nơi cũng đang có 3 triệu người Syria.

Ankara cũng lo lắng về viễn cảnh những kẻ khủng bố thánh chiến có thể lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chúng rút lui khỏi một cuộc tấn công lớn từ các lực lượng Chính phủ Damacus.

Nicholas Heras từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới hồi đầu tháng này cho biết, HTS đang ngày càng trở nên gắn bó với Idlib và việc xóa bỏ nhóm này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ được giao nhiệm vụ vô hiệu hóa HTS theo thỏa thuận Sochi nhưng đã tỏ ra miễn cưỡng, thay vào đó nước này hy vọng sẽ đưa nhóm gia nhập Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

FSA là một bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin ở Sochi. HTS cho đến nay đã từ chối hòa lẫn vào FSA, như mong muốn của Ankara.

Trong khi đó, nhiều báo cáo khác nhau cho rằng HTS cảm thấy hài lòng về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib vì điều này nghiễm nhiên sẽ giúp nhóm bảo vệ trước các cuộc tấn công.

Một số báo cáo còn tuyên bố rằng, HTS đã hộ tống cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển vào vị trí của nhóm trong khu vực.

Nhà quan sát Syria Akdogan Ozkan tin rằng HTS đang nỗ lực để thiết lập sự hiện diện lâu dài ở miền Bắc Syria, tương tự như Hezbollah ở Lebanon.

“Bằng cách kêu gọi các tổ chức thánh chiến khác đoàn kết dưới một mái nhà, nhóm này đang cố gắng bảo đảm tính hợp pháp chính trị cho thực thể của mình để không bị Damascus quản lý”, Ozkan viết trên trang tin T24.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng tin rằng HTS sẽ không thực hiện được ước mơ của mình ở Idlib vì Nga và Damascus sẽ không bao giờ chấp nhận có sự cai trị ở bất kỳ phần lãnh thổ nào của Syria.

S-400 là yếu tố quyết định chiến dịch ở Idlib?

S-400 đang là "cứu cánh" cho Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ một cuộc tấn công vào Idlib?

“Thỏa thuận Sochi chỉ là một công cụ để Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài thời gian khi họ cố gắng ngăn chặn một hoạt động quân sự chống lại Idlib”, cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Mithat Rende cho hay.

“Điều mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn đạt được là sử dụng khoảng thời gian này để thu phục HTS hoặc khiến nhóm rời khỏi khu vực, nhưng họ đã thất bại trong việc này. Có vẻ như Nga và chính quyền Damascus sẽ nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng vấn đề sẽ được đưa vào tay họ giải quyết vì sự kiên nhẫn của họ đã hết”, ông Rende nói với Al-Monitor.

Mặc dù vậy, Al-Monitor dẫn lời vị tướng về hưu Naim Baburoglu của Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận rằng, Moscow hiện đang hợp tác với Ankara ở Idlib và do đó khó có thể muốn một hoạt động lớn ở nơi đây, ít nhất là trong tình hình hiện tại.

Theo Baburoglu, có một liên kết giữa các hệ thống tên lửa S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết mua từ Nga và tình hình ở Idlib:

“Các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ mua bán này đang ở giai đoạn rất nhạy cảm và Nga sẽ không muốn gây nguy hiểm cho thỏa thuận bằng cách bật đèn xanh cho một hoạt động ở Idlib có thể khiến Ankara rơi vào thế khó”.

Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thua trước áp lực từ Mỹ và quyết định từ bỏ thỏa thuận S-400, thì lập trường của Moscow có thể sẽ thay đổi, tướng Baburoglu nói thêm.

Trong khi các yếu tố ngoại lai có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm một chút thời gian ở Idlib, thì đồng hồ vẫn đang đếm ngược - và trừ khi Ankara có thể đưa ra các lựa chọn khả thi được Moscow và Damascus chấp nhận, thì nước này sẽ phải đối mặt với vấn đề đau đầu ở Syria.