Tiêu điểm thế giới

Nhìn về "bài học Iraq 2003", ông Trump đừng để nước Mỹ lại bị "lợi dụng" trong chiến tranh với Iran?

Iran, Israel và các quốc gia Ả Rập Sunni đang trong một thế giới xung đột riêng mà Mỹ không cần và cũng không nên bước vào.

Chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy Iran tấn công tàu dầu.

Tiếng trống chiến tranh vẫn còn xa

Một nước Mỹ mệt mỏi với các cuộc chiến ở Trung Đông và hoài nghi về các lời cáo buộc từ cơ quan tình báo sẽ không muốn tiến tới một cuộc xung đột với Iran, bài viết của cây bút Christopher Roach trên tờ American Greatness khẳng định.

Trong quá khứ, Mỹ đã dựa vào thông tin tình báo về cái gọi là “sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt” để tấn công Iraq năm 2003, cũng như cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar Assad sử dụng vũ khí hóa học lên thường dân để tấn công Syria.

Tuy nhiên cho đến nay, cả hai cáo buộc này đều bị bác bỏ hoặc ít nhất là phải đối mặt với câu hỏi về bằng chứng đáng tin cậy không hề có.

So sánh với cáo buộc Iran tấn công tàu dầu gần đây, điều cần lưu ý là cuộc tấn công này không hề nghiêm trọng, không gây ra thương vong. Do đó, cái cớ để Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh tương tự giống Iraq hay Syria là khá yếu.

Về quy mô, nghi án Iran tấn công tàu dầu cũng chẳng hề giống như một Trân Châu Cảng thứ hai. Đồng thời, đoạn video cho rằng một tàu tuần tra Iran xuất hiện bên cạnh tàu dầu chưa phải là một bằng chứng hợp lý để quy trách nhiệm về cho Tehran.

Sự cố tàu dầu bị tấn công xảy ra trong bầu không khí chống Iran cay nghiệt được tạo ra bởi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cũng như các đồng minh khu vực của Mỹ là Saudi Arabia và Israel.

Ba quốc gia này đã liên kết chống lại Iran trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các lời khẩu chiến chống Iran xoay quanh cáo buộc Tehran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, thì nguồn gốc của sự thù địch lại đến từ sự cân bằng quyền lực trong khu vực, cây bút Roach nhận định.

Ai cũng biết được rằng, Iran là đối thủ cạnh tranh trong khu vực với Saudi và hai nước đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm trong các cuộc xung đột ở Syria, Yemen và Iraq.

Hoài nghi

Có lý do chính đáng để hoài nghi những cáo buộc đang đổ lên đầu Iran trong cuộc tấn công này.

Về cơ bản, một cuộc tấn công như vậy dường như không có lợi cho Iran và Iran rất thận trọng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công đến từ Mỹ. Mặc dù có lợi thế sân nhà, Iran phải đối mặt với viễn cảnh bị các cuộc không kích làm tê liệt trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Trong vụ việc vừa qua, con tàu bị tấn công được vận hành bởi một công ty Nhật Bản. Sự cố xảy ra trùng thời điểm Nhật Bản đến thăm Tehran.

Phía Mỹ đã phát hành một đoạn video cho thấy một tàu quân sự Iran đang gỡ một quả mìn từ trên thân con tàu bị hư hại. Nhưng Iran tuyên bố nước này chỉ gửi tàu đến để hỗ trợ cho thủy thủ đoàn.

Quan trọng hơn, thủy thủ đoàn Nhật Bản cho biết họ nhìn thấy “vật thể bay” trong cuộc tấn công, điều này khiến cho cáo buộc của Mỹ về việc Iran gài mìn trên tàu chở hàng và cố gắng xóa bỏ dấu vết sau đó vẫn còn gây tranh cãi.

Cuộc tấn công này theo sau vụ tấn công các tàu chở dầu trước đó ở Vịnh Ba Tư và một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào đường ống dẫn dầu của Saudi.

Tổng thống Trump cần tránh bị lôi kéo vào những sự vụ không đáng có.

Với những báo cáo tình báo bị nhuốm màu chính trị gần đây, như vụ đầu độc Skirpal, các vụ tấn công hóa học Syria, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và tuyên bố Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hồi năm 2003, người Mỹ và các chính trị gia dường như đã không còn quá tin vào các cơ quan tình báo, nhất là khi lời khuyên của họ sẽ dẫn đến chiến tranh.

Ngoài việc không tin tưởng các thông tin tình báo, người Mỹ hiểu rằng chiến tranh thường chỉ đến trong trường hợp hết sức nghiêm trọng và họ phải có cơ hội lớn để chiến thắng.

Ở Iraq - mặc dù thông tin tình báo về cái gọi là sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đã bị chỉ trích là sai lầm - nhưng khả năng chiến thắng của Mỹ khi đó lại khá lớn. Một chương trình hạt nhân được vận hành bởi một quốc gia thù địch đôi khi có thể sẽ là cái cớ để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu.

Còn với Iran, ngay cả khi nhiều người chấp nhận rằng Iran tấn công tàu chở dầu, độ nghiêm trọng của vụ việc là không thể so sánh với thời Iraq.

Thoát khỏi sự lôi kéo

Cũng giống như trong chính sách đối nội của mình, Tổng thống Trump phải đối mặt với nguy cơ các cá nhân và cơ quan trong chính quyền lôi kéo ông vào các chương trình nghị sự của riêng họ, hoặc chống lại nỗ lực của ông hoặc kéo ông đến nơi họ muốn đi.

Trong khi chính sách Trung Đông của Mỹ không hiệu quả và tốn kém, nó còn bị hạn chế và bị chi phối bởi các bên liên quan khác nhau, đặc biệt là các liên minh với Israel và các quốc gia Ả Rập Sunni.

Xung đột mở với Iran có được sự thúc đẩy từ điều này. Nhưng trong khi Iran được coi là đối thủ của Mỹ, bức tranh chiến lược rộng lớn hơn cho thấy một cuộc xung đột không mang lại lợi ích nào cho Washington.

Trên thực tế các quốc gia nói trên đang trong một thế giới xung đột riêng mà Mỹ không cần và cũng không nên bước vào.

Cho dù các cuộc tấn công đến từ Iran, Saudi, hay một quốc gia nào đó trong khu vực, tất cả các quốc gia này cuối cùng đều phải bán dầu để hưởng lợi. Cho dù là người Sunni hay Shia, cả hai đều đang rơi vào cuộc xung đột tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ qua, trong đó Mỹ không có cổ phần và không có phương thức để giải quyết.

Iraq là một sai lầm. Sai lầm bắt nguồn từ sự tin tưởng quá mức vào các cơ quan tình báo, sự lạc quan quá mức về khả năng định hình kết quả và lắng nghe lời khuyên của các bên liên quan - đặc biệt là Israel - quốc gia đã tích lũy lợi ích nhưng mang lại gánh nặng cho những nỗ lực của Mỹ.

Sự thúc đẩy chiến tranh với Iran hiện nay có nhiều đặc điểm giống với Iraq. Do đó, người Mỹ nên đảm bảo rằng họ không nên bị kéo vào một cuộc xung đột khác mà chỉ có đồng minh mỉm cười nhưng chẳng hề có chút lợi ích nào dành cho mình.