Đối thoại

Nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát: Kiểm soát quyền lực cán bộ rất quan trọng

Nhìn nhận về vụ Vạn Thịnh Phát, ĐBQH Nguyễn Công Long nói cơ chế kiểm soát ngược trở lại với những cơ quan, cán bộ thực thi nhiệm vụ hiện đang rất kém.

Ngày 18/11, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về 3 tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Trong 86 bị can của vụ án có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB đối mặt cáo buộc: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bà Đỗ Thị Nhàn - Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc Nhận hối lộ hơn 5 triệu USD để chỉ đạo “xóa mờ” nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB.

Thanh tra nhưng lại không có sự đối chiếu

Vụ việc Vạn Thịnh Phát được phanh phui cho thấy hàng loạt bất cập, những nỗi lo về hệ thống ngân hàng. Trên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh đây là vụ án thuộc lĩnh vực kinh tế, đặc biệt đây là lĩnh vực tín dụng của ngân hàng thương mại lớn.

Ông Long nói rằng, hoạt động tín dụng vốn đã có rất nhiều ảnh hưởng, tác động lớn đến nền kinh tế đất nước. Nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát, vi phạm của các bị can đã gây ra hệ lụy lớn với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân vào hoạt động tín dụng.

ĐBQH Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nguyên nhân dẫn đến sai phạm lớn trong vụ án này chính là các cơ quan chức năng khi thực hiện vai trò quản lý Nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm, do sự thoái hóa biến chất của một nhóm cán bộ khi thực thi công vụ có hành vi tham nhũng. 

“Đây là vấn đề rất cấp bách phải xem xét”, ông Long nói và cho hay, ngoài việc đặt ra những yêu cầu là phải kiểm soát quyền lực, kiểm soát trong thực thi công vụ vốn rất quan trọng thì vai trò kiểm soát, kiểm tra lẫn nhau cũng là điều quan trọng cần bàn đến.

Nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát, ông Long cho rằng, việc cử một đoàn thanh tra xuống làm việc tại ngân hàng, sau đó báo cáo trình lên, nhưng không có kiểm tra, không có đối chiếu, kiểm soát lại thì đó chính là kẽ hở. Ông cũng cho rằng, kết quả thanh tra đúng hay sai có thể sửa đổi bởi chính đoàn thanh tra đó, đây là nguy cơ rất lớn.

“Cơ chế để kiểm soát ngược trở lại đối với tất cả những cán bộ, cơ quan thực thi đó hiện nay đang rất kém. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý đối với các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Long nói thêm.

Vụ án Vạn Thịnh Phát được coi là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: “Dứt khoát trong vụ việc này thì trách nhiệm để xảy ra sai phạm lớn đó mà cơ quan điều tra xác định rõ cụ thể là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra”.

Do đó, ông Long cho rằng việc đảm bảo thị trường tài chính lành mạnh hay không, đảm bảo hoạt động đúng đắn của các tổ chức tín dụng có vai trò kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò rất lớn. Ngoài ngân hàng chịu trách nhiệm chính thì còn các kênh khác, các kênh giám sát khác về tài chính để làm sao cho các hoạt động tín dụng trên thị trường tín dụng đảm bảo sự lành mạnh.

“Cho nên, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra thì yếu tố kiểm soát ngược lại, kiểm soát lẫn nhau giữa các hoạt động kiểm tra và thanh tra là yếu tố rất quan trọng”, ông Long nhấn mạnh.

Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản

So với quy mô GDP Việt Nam tới cuối quý III/2023, ở mức 4,7 triệu tỷ đồng, số tiền 304.096 tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt tương đương 6% GDP.

Nếu xét trên các chỉ tiêu về hoạt động của ngành ngân hàng, con số này bằng 2,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (12,75 triệu tỷ đồng) tính tới cuối quý III/2023, bằng 11% tổng dư nợ cho lĩnh vực bất động sản. Số tiền này cũng tương đương với tổng tài sản một ngân hàng quy mô tầm trung trên thị trường hiện nay.

Theo dõi vụ án, đại biểu Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này có số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.

Các đối tượng tội phạm thực hiện hành vi làm khống cả nghìn hồ sơ để vay chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của ngân hàng SCB, trong đó có trên 500.000 tỷ tiền gửi của người dân. Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

“Vụ này có thể chỉ là "bề nổi của tảng băng bị vỡ", còn những tảng băng khác chưa bị vỡ. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này", ông Hoà nhấn mạnh.

Thu Huyền - Hoàng Bích