Bất động sản

Nhìn lại cung thiếu nhi Hà Nội sau gần 60 năm phát triển

Cung thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ) là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ thiếu nhi để học tập, vui chơi, giải trí.

Video: Toàn cảnh dự án Cung thiếu nhi Hà Nội 1.300 tỷ đồng

Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có tên là Ấu trĩ viên, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội – tiền thân của Cung Thiếu nhi – ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt, trở thành lá cờ đầu trong phong trào “việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước” của thiếu nhi Hà Nội.

Năm 1974, được sự giúp đỡ của Tiệp Khắc (cũ), một toà nhà 6 tầng gồm 100 phòng học, sinh hoạt được thiết kế, trang bị hiện đại trên nền của Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội ra đời.

Câu lạc bộ Thiếu niên được đổi tên thành Nhà Văn hoá Thiếu nhi, đây là thời kỳ có những hoạt động quốc tế khá sôi động, hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nước XHCN về hoạt động Cung, Nhà Thiếu nhi.

Ngày 1/6/1985 đã trở thành mốc son vẻ vang của Nhà Văn hoá Thiếu nhi khi tập thể cán bộ, thiếu nhi Nhà văn hoá vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và quyết định nâng cấp thành Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trải qua chặng đường gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, Cung thiếu nhi Hà Nội đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong cả nước về giáo dục ngoài nhà trường cho thiếu nhi. Là trung tâm sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô.

Toà nhà 6 tầng gồm 100 phòng học mang thiết kế kiến trúc Pháp là nơi phát triển toàn diện của thiếu nhi Thủ đô, là địa chỉ ươm mầm những năng khiếu và đã sản sinh ra nhiều tài năng của đất nước. Không chỉ vậy, nơi đây cũng là minh chứng lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Trải qua thời gian hình thành và phát triển, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất tại đây đã xuống cấp và đặt ra vấn đề cần xây dựng Cung thiếu nhi mới.

Một số phòng tại Cung thiếu nhi Hà Nội bị dán giấy niêm phong.

Khu vực vui chơi dành cho trẻ em bị xuống cấp.

Với quá trình gắn liền với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô nên rất nhiều người cùng mong muốn giữ lại Cung thiếu nhi Hà Nội. "Cung thiếu nhi Hà Nội này là nơi gắn bó của nhiều thế hệ rồi, nhiều nhân tài cũng được đào tạo từ cung thiếu nhi này đi lên. Nên giữ lại để gắn liền với quá trình phát triển của thủ đô", ông Nguyễn Vũ Thanh (Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Hiện nay, bên ngoài cổng Cung thiếu nhi Hà Nội trở thành điểm trông giữ xe do sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý.

Trước đó, ngày 15/3 dự án xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1, khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc quận Nam Từ Liêm đã chính thức được động thổ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.