Văn hoá

Nhìn lại 2 năm “xuất ngoại” của truyện tranh Việt Nam

Chỉ sau nửa thập niên bùng nổ, các tác phẩm truyện tranh Việt Nam không những chinh phục thành công độc giả trong nước mà còn dần tiến ra quốc tế. Vietnam Comics Day (ngày hội truyện tranh Việt Nam) vừa quay lại sau 2 năm vắng bóng đã được hưởng ứng nồng nhiệt.

Trong thời gian qua, truyện tranh Việt Nam liên tục đón nhận tin vui vì được thị trường quốc tế chào đón, ủng hộ. Điển hình như vào tháng 12/2017, tác phẩm Long Thần Tướng được lọt vào tuyển tập truyện tranh xuất sắc nhất châu Á trong 50 năm qua. Và đến tháng 9/2018 vừa qua, bộ truyện tranh lịch sử của Việt Nam đã được xuất bản tại Tây Ban Nha.


Các bộ truyện của tác giá trẻ khác như Địa Ngục Môn (họa sĩ Can Tiểu Hy), Bad Luck (họa sĩ Châu Chặt Chém),... cũng được độc giả ủng hộ nhiệt tình. Tháng 1/2017, tác phẩm Địa Ngục Môn đoạt giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế International Manga Award lần thứ 10 tại Nhật Bản. Còn bộ truyện Bad Luck là tác phẩm truyện tranh Việt Nam đầu tiên được chuyển thể thành phim.

Chính vì thế, sự kiện Vietnam Comics Day (ngày hội truyện tranh Việt Nam) vừa được tổ chức tiếp tục nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ công chúng sau hơn 2 năm gián đoạn.

Ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập đơn vị Comicola bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn sự kiện sẽ trở thành cầu nối giữa người sáng tạo và công chúng đối với các sản phẩm văn hóa thuần Việt, mang đậm dấu ấn và văn hóa Việt Nam. Qua đó, bằng sự ủng hộ của độc giả và sự sáng tạo của tác giả, họa sĩ, chúng ta có thể khẳng định chất lượng các sản phẩm văn hóa của người Việt không thua kém các quốc gia khác”.

Nhìn lại sự chuyển biến của thị trường truyện tranh Việt Nam trong thời gian qua, ông Khánh Dương đánh giá, độc giả người Việt rất yêu thích truyện tranh bản địa Việt Nam. Ông Dương nói: “Có những khó khăn nhất định khiến vài năm trước, chúng tôi đã lo lắng về việc sống bằng nghề họa sĩ truyện tranh. Nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ cần sản phẩm có chất lượng tốt thì độc giả sẽ ủng hộ rất nhiệt tình”.

“Tuy nhiên, từ năm ngoái, chúng tôi đã có chiến lược mới khi chuyển việc xuất bản truyện tranh từ chất liệu giấy thành xuất bản trên điện tử. Dựa trên số liệu trong 6 tháng qua, đã có 150.000 người đăng ký làm thành viên trang web của chúng tôi”, ông Dương nói tiếp.

Theo ông Dương, sự chuyển động này của truyện tranh Việt Nam là đang bắt nhịp với xu hướng chung của thị trường thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...). Bằng việc xuất bản điện tử, truyện tranh Việt Nam sẽ tốc độ sản xuất nhanh hơn, cơ hội tiếp cận độc giả và ổn định thu nhập đối với các họa sĩ cũng tăng lên.

“Khi triển khai xuất bản điện tử, chúng tôi rất lo lắng trong thời gian đầu. Bởi lẽ, độc giả Việt Nam thường bị đánh giá thấp vì tỷ lệ đọc truyện tranh lậu (không có bản quyền) khá lớn. Nhưng chúng tôi đã bị bất ngờ khi mức độ độc giả ủng hộ, trả phí ngày càng cao. Đây được xem là sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức tôn trọng bản quyền của độc giả, đặc biệt là người trẻ”, ông Khánh Dương cho biết.