Chính sách

Nhiều ý kiến khác nhau về dự án luật DQTV, Bộ trưởng bộ Quốc phòng nói gì?

Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã giải trình ý kiến của ĐBQH xoay quanh dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) vào sáng ngày 13/6.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 13/6 các đại biểu tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (DQTV) (sửa đổi). Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có 8 chương và 50 điều.

Các ĐBQH tham gia ý kiến 

ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng tham gia dân quân tự vệ là nghĩa vụ của công dân trong độ tuổi quy định. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp là trách nhiệm của nhà nước. Để đáp ứng 2 vấn đề trên, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về dân quân tự vệ là rất cần thiết. Luật Dân quân tự vệ ban hành và qua 10 năm thực hiện đã đạt kết quả quan trọng nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhiều vấn đề đặt ra như việc xây dựng dân quân tự vệ phải gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thường trực, dân quân tự vệ trên biển, dân quân tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

“Vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, Điều 17 có quy định nhưng đang còn nhiều vấn đề đặt ra cho việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như tính bắt buộc phải thành lập, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng ở những doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài chưa có hoặc không có tổ chức đảng thì việc đảm bảo này như thế nào, như cấp chỉ huy, ban chỉ huy được tổ chức ra sao, đảm bảo vừa có chỉ huy trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó là bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy.

Vì quy định chỉ huy trưởng, chỉ huy phó là chính trị viên trưởng, chính trị viên phó phải là bí thư cấp ủy. Trong các doanh nghiệp này chưa có thì xử lý thế nào. Những vấn đề trên chưa được xác định rõ tại các điều 18, 19 và 21. Đề nghị xem xét, quy định rõ hơn để đảm bảo tính khả thi của quy định này. Điều 18, 19, 21 quy định chủ yếu ở xã, phường cấp huyện, doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước chưa có, chưa quy định rõ”, ĐBQH Tô Văn Tám nêu.

Trong khi đó, ĐBQH Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) lại quan tâm đến độ tuổi thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ trong thời bình ở Điều 8, theo quy định nam từ đủ 18 - 45 tuổi, nữ từ đủ 18 - 40 tuổi, thời hạn thực hiện nhiệm vụ là 4 năm căn cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh có thể kéo dài nhưng không quá 2 năm.

“Về cơ bản tôi đồng tình. Tuy nhiên, tôi thấy có thể mở rộng hơn thời gian tham gia, nếu sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ dân quân tự vệ mà các công dân này có nhu cầu, tâm huyết phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ thì rất tốt, tạo thêm nguồn cho dân quân tự vệ. Thực tế ở một số địa phương, trong các gia đình đa phần còn người già và trẻ em, người trẻ đã đi lao động, làm ăn xa để mưu sinh dẫn đến thiếu nguồn dân quân tự vệ ở các khu vực này. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét”, ĐBQH Dương Tấn Quân bày tỏ.  

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Còn ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) băn khoăn về tên gọi: “Về kỹ thuật thể hiện tên luật và tên điều. Như chúng ta đã biết, dân quân và tự vệ là 2 đối tượng khác nhau vì thế mới có tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, theo giải trình của bộ Quốc phòng về ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, việc viết liền tên gọi dân quân tự vệ là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Điều 23 của Luật Quốc phòng năm 2018 và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ hiện hành.

Theo ý kiến cá nhân tôi, giải trình như thế là chưa thỏa đáng, nếu viết liền dân quân tự vệ thì về mặt ngôn ngữ là không chuẩn vì theo khái niệm nêu tại từ điển bách khoa Việt Nam trang 654 quy định dân quân, tự vệ không viết liền. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tên của luật, tên của điều không viết liền dân quân tự vệ mà phải tách ra bằng dấu phẩy "dân quân, tự vệ".

Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Phương Tuấn về ý kiến băn khoăn tên gọi dự thảo là Luật Dân quân tự vệ, ĐBQH Nguyễn Doãn Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, Ban soạn thảo lấy tên gọi là Luật Dân quân tự vệ là hoàn toàn phù hợp, đúng bản chất hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, vừa có tính lịch sử, vừa có tính kế thừa bởi có mấy lý do sau:

Thứ nhất, như các đại biểu đều biết, dân quân tự vệ ngày nay tiền thân là đội tự vệ được thành lập theo Nghị quyết về đội tự vệ và được thông qua ngày 28/3/1935, tại Đại hội Đảng lần thứ nhất tổ chức tại Macao - Trung Quốc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng, chiến đấu và phát triển không ngừng với những tên gọi Tự vệ đỏ, Du kích dân quân và hiện nay là dân quân tự vệ. Có thể nói, từ ngày đầu thành lập cũng như hiện nay, về bản chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này được tổ chức ở xã phường hay cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn được xác định thống nhất, dân quân tự vệ là tổ chức vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Còn về sự khác nhau giữa dân quân được tổ chức ở xã, phường và tự vệ ở cơ quan tổ chức trên một số khía cạnh như về quy mô tổ chức, chế độ chính sách, độ tuổi là để phù hợp với tính chất đặc thù của môi trường lao động sản xuất và công tác giữa người hưởng lương và không hưởng lương, giữa nơi có nguồn nhân lực bổ sung thuận lợi với nơi không thuận lợi, giữa đất liền với biển đảo… Đây không phải là sự khác nhau về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của  lực lượng dân quân.

Thứ hai, tên gọi dự thảo là Luật Dân quân tự vệ là kế thừa tên gọi của lực lượng này đã được sử dụng thống nhất trong nhiều Văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, gần đây nhất là Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới và quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ ba, thực tế triển khai thực hiện pháp lệnh trước đây cũng như Luật Dân quân tự vệ năm 2009, tên gọi này được hiểu và thống nhất, quá trình thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, tôi cho rằng, dự thảo lấy tên gọi Luật Dân quân tự vệ là phù hợp. Mặt khác, nếu thay đổi tên gọi dù là nhỏ nhưng cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp gây tốn kém không cần thiết như phải sửa đổi hàng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước, tài liệu huấn luyện, biểu mẫu, sổ sách, con dấu…”.

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Nguyễn Doãn Anh.

“Tôi không đồng tình với quan điểm, tên gọi Luật Dân quân tự vệ đã được dùng từ lâu, chúng ta cần giữ nguyên vì như thế không đúng với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không đúng với tính đúng đắn của ngôn ngữ, tinh thần của dự thảo luật quy định hai lực lượng này khác nhau. Dân quân và tự vệ quy định trong luật được xem là hai danh từ nếu viết là Luật Dân quân tự vệ, "dân quân" ở đây là danh từ, "tự vệ" có thể xem là tính từ hoặc động từ. Tên Luật Dân quân tự vệ có nghĩa lực lượng dân quân là nhiệm vụ phòng vệ, tự vệ dẫn đến cách hiểu sai. Nếu để tên luật như hiện nay có thể dẫn đến cách hiểu khác và mâu thuẫn với nội hàm thể hiện ở một số điều trong luật này. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại vấn đề này”.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch giải trình

Tham gia giải trình ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng bộ Quốc phòng cho biết: “Về tên gọi dân quân tự vệ. Dự thảo luật quy định tên gọi dân quân tự vệ là phù hợp vì đúng với Điều 66 Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018, kế thừa tên gọi của Pháp lệnh về dân quân tự vệ năm 1996, Pháp lệnh dân quân tự vệ năm 2004 và Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Thực tế có tổ chức đơn vị dân quân, đơn vị tự vệ nhưng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ là thống nhất. Lực lượng dân quân tự vệ là một chỉnh thể không tách rời, trong quá trình thực hiện không vướng mắc tên gọi. Mặt khác, tên gọi dân quân tự vệ đã quen thuộc, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua các thời kỳ. Đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo”.

Giải trình thêm về độ tuổi tham gia dân quân tự vệ ở Điều 8, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho hay: “Quá trình xây dựng luật đã có những ý kiến đề nghị tăng tuổi tham gia tự vệ ở cơ quan, tổ chức vì số lượng cán bộ, công nhân, viên chức được tuyển vào cơ quan, tổ chức hàng năm rất ít. Bộ Quốc phòng báo cáo như sau: Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia tự vệ. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức có chuyển ra nên vẫn đảm bảo được nguồn bổ sung cho tự vệ nhằm khắc phục trường hợp thiếu người để tổ chức tự vệ ở một số cơ quan, tổ chức.

Điều 8 dự thảo luật quy định theo hướng kéo dài thời gian tham gia tự vệ đến hết độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ”.

Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham gia giải trình ý kiến của các ĐBQH.

Thông tin thêm ý kiến của ĐBQH Tô Văn Tám về vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói: “Khoản 2 Điều 17 dự thảo luật quy định điều kiện tổ chức tự vệ là luật hóa Điều 4 Nghị định số 03 của Chính phủ năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ. Theo đó doanh nghiệp có đủ 4 điều kiện sau đây thì được thành lập tự vệ:

Một là đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp. Đây là điều kiện tiên quyết có tính nguyên tắc vì dân quân tự vệ là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nên phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng bộ Quốc phòng. Nếu không đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thì không tổ chức dân quân tự vệ;

Hai là doanh nghiệp đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng doanh nghiệp đã ổn định và có đủ điều kiện để tổ chức tự vệ. Quy định này được thực hiện trong thời gian qua và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thời gian doanh nghiệp hoạt động đủ 24 tháng. Ban soạn thảo xin tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu.

Ba là doanh nghiệp có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất một tiểu đội tự vệ. Điều kiện này quy định về số lượng tối thiểu cho người lao động và doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để tổ chức đơn vị tự vệ; Bốn là theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng, Đề án kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương. Điều kiện này nhằm quy định việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp được chặt chẽ, tránh tràn lan, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp. Như vậy, dự thảo luật quy định chung đối với các loại hình doanh nghiệp nếu có đủ 4 điều kiện trên thì được xem xét thành lập tự vệ, đúng với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết ngoài những nội dung báo cáo giải trình, tại hội trường các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về chế độ, chính sách về kinh phí của dân quân tự vệ, chức năng nhiệm vụ của dân quân tự vệ, thẩm quyền quyết định thành lập và giải thể tiểu đoàn tự vệ... Bộ Quốc phòng xin được phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo luật theo quy định.

Nhóm PV Quốc hội