Giáo dục

Nhiều thí sinh đến nhầm điểm thi trong ngày làm thủ tục thi vào lớp 10 tại Hà Nội

Sáng ngày 16/7, hàng chục nghìn thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Tại điểm thi trường THPT Quang Trung - Đống Đa, có không ít thí sinh đến nhầm địa điểm.

 

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật tại điểm thi trường THPT Quang Trung - Đống Đa, rất nhiều thí sinh đã đến nhầm điểm thi. 

Cô giáo Hoàng Thị Hằng, phụ trách phổ biến quy chế thi tại phòng thi số 10 cho biết: “Hôm nay, trong phòng thi số 10 có một trường hợp, nam sinh đến nhầm điểm thi. Đến lúc soát lại thông tin thì mới phát hiện ra. Lúc ấy, bạn ấy mang tờ phiếu báo dự thi lên nói rằng, cô ơi, em bị sai thông tin trong phiếu báo, nhưng thực ra lại là bị nhầm địa điểm. Lúc đó đã là 9h rồi, tôi mong là em ấy có thể kịp thời di chuyển sang điểm thi của mình. Đến từ rất sớm nhưng đến lúc soát thông tin bị sai”.

Đại diện cán bộ kỹ thuật tại trường THPT Quang Trung - Đống Đa cho biết: “Hôm nay có khá nhiều thí sinh đến nhầm điểm thi. Nguyên do thường là vì các em không xem rõ thông tin địa điểm thi, không xem rõ địa chỉ, mặc nhiên là đăng ký dự thi vào trường THPT Quang Trung - Đống Đa đến điểm thi này, thậm chí, đến khi vào phòng thi mới phát hiện ra, do xem danh sách phòng thi có thể trùng tên nên đã đi vào phòng thi. Đây cũng là một sự cố mà hầu như năm nào cũng xảy ra. Đặc biệt, đối với những thí sinh đến nhầm điểm thi như thế này, mà bố mẹ không có ở đây thì các anh chị tình nguyện sẵn sàng đưa các em đến đúng điểm thi nhanh nhất, đó là phản ứng nhanh”.

Do không chú ý kỹ những thông tin trên phiếu báo dự thi nên không ít thí sinh đến điểm thi trường THPT Quang Trung - Đống Đa, khi không tìm thấy thông tin của mình trên bảng tin, được sự tư vấn của đội tình nguyện, mới “vỡ lẽ” mình đến nhầm điểm thi.

Thậm chí, có những thí sinh, vào ngồi trong phòng thi, nghe phổ biến quy chế rồi đến khi rà soát lại thông tin dự thi mới phát hiện mình bị nhầm điểm thi. Có những thí sinh sau khi được phụ huynh đưa đến điểm thi, phát hiện bị nhầm điểm, mới gọi điện thông báo để phụ huynh quay lại trường đón.

 

 

Là một trong những thành viên trong đội tình nguyện hướng dẫn học sinh và phụ huynh tại cổng trường, bạn Hoàng Minh Phương (học sinh trường THPT Quang Trung) lý giải: “Các bạn học sinh đến nhầm điểm thi là chuyện bình thường. Thường thì các em sẽ không đọc kỹ trên tờ phiếu báo dự thi, vì các em đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Quang Trung thì sẽ đi đến điểm thi ở trường này, mà thường không chú ý đến điểm thi thứ hai là THCS Thái Thịnh. Điều đó là rất dễ gặp phải”.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, nhiều thí sinh chia sẻ bí quyết ôn tập riêng. 

Em Đinh Tuấn Anh (học sinh trường THCS Khương Mai) cho biết: “Em nghỉ ngơi để tâm lý thoải mái chút. Cũng may là năm nay, tỉ lệ “chọi” vào trường này cũng không nằm trong top đầu, khá vừa sức đối với em. Tính toán cẩn thận, vào phòng thi mang ít nhất hai máy tính. Văn thì em chưa tự tin, nhưng hôm qua, em cũng đã cùng mẹ ôn lại một lượt nên em cũng tự tin hơn”. Mẹ của Tuấn Anh cũng chia sẻ: “Một số bài ôn như môn Văn, con sẽ nhờ mẹ nhìn vào đề cương để soát lại những phần nào con đúng, phần nào con chưa đúng, mẹ nhắc con để con chú ý hơn. Còn đối với môn Toán và Anh, con đã tự tin với kiến thức nên tôi cũng không cần hỗ trợ nhiều”.

Chị Đỗ Thị Hải Hiền (Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân) chia sẻ: “Năm nay, con lớn nhà tôi đi thi nên bố mẹ cũng không tránh khỏi sự hồi hộp, có khi còn hồi hộp, lo lắng hơn con, vì đây lần đầu tiên bước vào một cấp học mới. Gia đình cũng có chút xáo trộn, trước đây, sau khi ăn tối gia đình sẽ trò chuyện, còn giai đoạn vừa qua thì dành thời gian cho con ôn thi tốt nhất. Hằng ngày, tôi cũng cố gắng thu xếp công việc để dành thời gian học cùng con, con học xong, mẹ sẽ hỗ trợ kiểm tra lại về phần kiến thức đó. Con cũng thích học cùng mẹ, nhiều khi mẹ bận, con cũng chủ động nhờ mẹ lên học cùng con, kiểm tra bài cho con”.

Em Phạm Thanh Hùng (trường THCS Đống Đa) cho biết: “Chiến thuật ôn thi của em là ôn bất kể lúc nào có thể, môn nào em yếu nhất và muốn cải thiện nhất thì học nhiều nhất, môn nào thi trước thì sẽ ôn trước, môn nào thi sau sẽ ôn sau. Hiện tại em đi học thêm ít hơn, tự học nhiều hơn, học đến khi nào buồn ngủ thì ngủ và khi dậy thì lại học tiếp. Từ tuần trước, em đã nghỉ cả trên trường lẫn học thêm để tự ôn ở nhà và có thời gian “xả hơi” trước ngày thi”.

Học sinh Gia Khánh (trường THCS Nhân Chính) bày tỏ: “Em cảm thấy cũng không quá áp lực với kỳ thi này. Trong những ngày cuối cùng, em đã xem lại kiến thức cơ bản và làm thêm một số bài nâng cao, mỗi ngày chỉ học đến khoảng 22h giờ là đi nghỉ”.

Trong phòng thi, các thí sinh được nghe giám thị phổ biến quy chế thi.

Và rà soát lại thông tin.

Với sự hướng dẫn của giáo viên.

Tuy nhiên, do còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng, nên nhiều thí sinh cũng gặp một số sự cố nhỏ khi rà soát thông tin.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra vào ngày 17-18/7.

Năm nay, UBND TP.Hà Nội đã quyết định bỏ môn thi thứ 4, kỳ thi vào lớp 10 THPT. Theo đó, học sinh chỉ thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Quyết định này khiến học sinh và phụ huynh đồng tình. Vì năm nay dịch bệnh phức tạp, kéo dài, học sinh lớp 9 gặp nhiều khó khăn trong việc học và ôn thi.

Năm nay, Hà Nội có 64.990 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, tăng 12.330 học sinh so với năm ngoái. Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập sẽ được tính điểm xét tuyển theo nguyên tắc: ĐXT = (Điểm môn Toán + Điểm môn Văn) x 2 + Điểm môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (nếu có).