Giáo dục

Nhiều phương thức xét tuyển không có nổi 1% thí sinh nhập học

Năm 2022 các trường đại học sử dụng tối đa các phương thức xét tuyển khác nhau, tuy nhiên vẫn còn nhiều phương án không mang lại hiệu quả.

Sáng nay (3/3), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh năm 2023 nhằm tổng kết công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời thảo luận một số nội dung cần thống nhất để triển khai công tác tuyển sinh trong năm nay.

Ngay sau khi nghe báo cáo về thông tin công tác tuyển sinh năm học vừa qua, vấn đề phương thức xét tuyển là một trong những nội dung được các trường đại học quan tâm.

Theo đó vào năm 2022, việc đa dạng các phương thức xét tuyển giúp trao thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên việc “nở rộ” các hình thức khác nhau cũng khiến cho nhiều em khó chọn lựa.

Chưa kể đến, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Trong đó nhiều phương thức tuyển sinh chỉ thu hút chưa đến 1% số thí sinh tham gia.

Trước vấn đề này, đại diện Trường Đại học Quốc gia Tp.HCM đề nghị cần phải có số liệu, dữ kiện để giúp cho các trường có cơ sở đánh giá mức độ tin cậy của việc xét tuyển hình thức bọc bạ và bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ đó tìm ra công cụ tốt nhất để đánh giá năng lực của học sinh.

Nhà trường cũng cho rằng nên đánh giá kỹ việc tính hiệu quả của từng phương thức xét tuyển, có một số phương thức không đạt yêu cầu. Nhưng theo vị đại diện này mỗi phương thức thể hiện đặc thù của mỗi trường và nếu tính theo số lượng thí sinh nhập học để đánh giá là không hiệu quả.

Cũng cùng quan điểm cần có những báo cáo phân tích rõ hơn về các phương thức xét tuyển, đại diện Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM cho biết nên có thêm thông tin tất cả các phương thức xét tuyển trên cả nước để so sánh và kiểm định chất lượng của những phương thức đó.

“Mỗi phương thức xét tuyển thể hiện tính đặc thù của tường trường. Có những phương thức chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên cả nước nhưng lại chiếm chỉ tiêu lớn của cơ sở đào tạo”, đại diện trường Đại học Nông lâm Tp.HCM bày tỏ.

Mặc dù vậy, tất cả phương thức xét tuyển phải phục vụ nhu cầu người học của thí sinh, một số trường có quá nhiều phương thức sẽ gây rối thì không nên.

Nhiều phương thức xét tuyển chiếm tỉ lệ nhập học thấp.

Ở đây, nhiều ý kiến cho rằng phương thức học bạ sẽ có những tiêu cực, đại diện trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM cho biết điểm học bạ đánh giá cả quá trình học của các em (5-6 học kỳ học) nên rất khó để có những địa phương không phản ánh đúng chất lượng.

Trả lời ý kiến của các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết vẫn còn sự thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển vì vậy các trường nên căn cứ dữ liệu của cơ sở mình để đưa ra những hình thức xét tuyển phù hợp.

“Bộ GD&ĐT không chỉ dựa vào số lượng thí sinh nhập học, mà căn cứ vào dữ liệu các trường, từ đó nghị các trường rà soát lại các phương thức có đem lại hiệu quả hay không”, ông Hoàng Minh Sơn trả lời.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thông tin năm nay thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT mà chỉ cần đăng ký ngành mong muốn theo học.

Theo đại diện bộ GD&ĐT, việc này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. Bà Thủy đánh giá việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin, trong khi một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý: “Các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh của mình.Với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, đề nghị rất lưu ý hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường”.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện văn bản hướng dẫn tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thầy cô đại biểu hôm nay và các ý kiến khác. Mong các thầy cô sẽ có các góp ý chi tiết hơn về mặt kỹ thuật, về thời gian trong kế hoạch dự kiến mà Vụ Giáo dục đại học đã đề xuất.