Sự kiện

Nhiều nơi sạt lở đất đá nghiêm trọng do mưa lũ ở Nghệ An

Do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện tình trạng bị ngập nước, chia cắt. Thậm chí sạt lở đất đá, hư hỏng đường giao thông, khiến việc đi lại rất nguy hiểm.

Kỳ Sơn di dời khẩn cấp 281 hộ dân do sạt lở núi

Ngày 21/10, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, do mưa lớn liên tục, trên địa bàn huyện rẻo cao Kỳ Sơn đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi, đe dọa tính mạng của người dân.

“Trong tối 20/10, UBND huyện Kỳ Sơn đã di dời khẩn cấp 281 hộ dân thuộc các xã Mường Típ, Mướng Ải, Bảo Nam, Chiêu Lưu. Đây là các xã nằm trong vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở núi cao”, ông Minh nói.

Chính quyền di dời các nhà có nguy cơ bị sạt lở.

Trong đó, các xã di dời nhiều nhất gồm: xã Mường Típ sơ tán 64 hộ, 346 nhân khẩu; xã Mường Ải 75 hộ, 403 nhân khẩu; xã Bảo Nam 35 hộ, 150 nhân khẩu…

Ngày 20/10, tại tuyến đường xã Chiêu Lưu – Na Ngoi huyện Kỳ Sơn đã xảy ra sạt lở đất đá nghiêm trọng. UBND huyện đã chỉ đạo xã Na Ngoi tạm thời không cho người dân đi qua những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, nước dâng cao ngập tràn khiến 2 bản Tăng Phan, Huồi Thum, đều thuộc xã Na Ngoi bị cô lập.

Nhiều đoạn đường bị sạt lở.

Cùng ngày, UBND huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp huy động lực lượng Công an giúp hộ dân Cụt Văn Sơn và hộ Cụt Văn Mạnh, bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu di dời đến nơi ở an toàn.

“Trước tình hình mưa bão tiếp tục kéo dài, UBND huyện đang khẩn trương rà soát, thống kê tình hình thiệt hại và chủ động giúp người dân đến chỗ trú ẩn an toàn. Dịp này, Huyện ủy, UBND huyện đã hỗ trợ 4 hộ dân, mỗi hỗ 5 triệu đồng phải di dời tại xã Chiêu Lưu”, ông Minh cho biết thêm.

Trực ban 24/24 tại các vị trí nguy hiểm

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc mưa lũ cũng đang khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Đặc biệt là các huyện miền núi. Tại huyện Con Cuông, trên Quốc lộ 7 đoạn qua xã Lạng Khê cũng xuất hiện nhiều vị trí bị đất đá từ trên vách núi sát đường trượt xuống làm cho giao thông bị ngừng trễ, các phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Đơn vị quản lý giao thông đã phải tăng cường thêm 2 máy xúc để san gạt và túc trực 24/24h.

Khu vực sạt lở ở Quốc lộ 7 ở Con Cuông.

Tại huyện Quế Phong, trên tuyến đường đi vào xã Nậm Giải, cụ thể tại km1+300 và tuyến đường đi từ xã Châu Thôn đến xã Tri Lễ đều bị ách tắc, tiềm ẩn mối nguy hiểm. Do trời vẫn liên tục mưa, khiến cho nhiều vị trí bị ngập nước, sạt lở đất đá.

Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết: “Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Quế Phong và các ban ngành liên quan đã kịp thời đi kiểm tra, cử lực lượng chốt chặn các vị trí nguy hiểm để đảm bảo sự an toàn cho các phương tiện lưu thông qua những tuyến đường này”.

Tại các tuyến đường bị ngập nước, chia cắt, sạt lở đất đá, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng gác chặn, hướng dẫn giao thông cho người dân.

Khối đá lớn sạt từ vách núi xuống gây trở ngại cho việc đi lại trên tuyến đường từ xã Châu Thôn đi bản Mường Lống, xã Tri Lễ.

Còn tại huyện Tương Dương đã có 4 cây cầu tràn bị ngập nước. Cụ thể, cầu tràn Chà Lạp 1 và Chà Lạp 2 bị ngập sâu gần 0,7m; còn 2 cầu tràn ở xã Châu Phong bị ngập gần 1m. Ngập cầu sâu, thêm nhiều tuyến cũng bị ngập nên người dân không thể đi lại.

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện Nghệ An có trên 10 điểm sạt lở lớn nhỏ, 12 điểm ngập tràn chủ yếu tập trung ở các huyện qua các huyện Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Con Cuông. Hiện tại, mực nước đang có chiều hướng dâng cao do nước thượng nguồn đổ về rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Đơn vị quản lý giao thông trên các tuyến giao thông trên đã cho lập hàng rào, biển báo cấm, phối hợp với chính quyền địa phương canh gác 24/24h không để người dân qua tràn bị ngập.

Cơ quan chức năng yêu cầu túc trực 24/24.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Tỉnh ủy Nghệ An đã có công điện số 01 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, tránh và khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác và có phương án phòng, tránh thiên tai.

Tỉnh ủy Nghệ An đồng thời yêu cầu phải kiên quyết chỉ đạo di dời người và tài sản khỏi những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra tình hống. Tại các điểm giao thông ngập lụt, sạt lở đất, đá nguy hiểm, cần triển khai các biện pháp cảnh báo, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sở GD&ĐT cho phép các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện chủ động việc cho học sinh nghỉ tuỳ tình hình thời tiết. Và cũng yêu cầu tổ chức trực ban 24/24, duy trì liên hệ ứng cứu kịp thời; tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở…”.