Bình tĩnh sống

“Nhiều người bất ổn tâm lý do dịch bệnh kéo dài”

Biết được có nhiều trường hợp gặp vấn đề về tâm lý trong mùa dịch, anh Nguyễn Hoàng đã quyết định tư vấn tâm lý miễn phí.

Giúp đỡ những người khó khăn về tinh thần

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ tinh thần của nhiều người. Hiểu được những khó khăn về tâm lý mà mọi người đang phải trải qua, anh Nguyễn Hoàng  (SN 1990, Hà Nội), trưởng nhóm Dr.Psy trị liệu tâm lý cùng với các cộng sự đã quyết định thành lập dự án cộng đồng tư vấn/tham vấn tâm lý miễn phí: “Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch”

Chia sẻ với Người Đưa Tin về lý do thực hiện dự án này, anh Hoàng cho biết: “Trong khoảng thời gian này, những người tìm đến với chúng tôi đa phần đều có mức độ lo lắng và căng thẳng tăng cao. Hơn nữa, vì tình trạng giãn cách, mọi người khó có thể đến các cơ sở khám và trị liệu tâm lý cũng như tâm thần. Vì lẽ đó, với nguồn lực sẵn có, cộng thêm sự hỗ trợ từ những cộng tác viên tư vấn và các chuyên gia tâm lý, chúng tôi lập nên dự án tư vấn/tham vấn tâm lý miễn phí để hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn về tinh thần theo hình thức online thông qua ứng dụng Dr.Psy”.

Với hai năm làm công tác tham vấn và trị liệu tâm lý miễn phí cho mọi người trên các hội nhóm, Trưởng nhóm này nhận thấy có rất nhiều bạn có khó khăn tâm lý, nhưng không có điều kiện để đến trung tâm hay các bệnh viện để điều trị. Người có điều kiện thì không biết đến cơ sở nào uy tín, bị một số “chuyên gia tự xưng” không có bằng cấp, chuyên môn lừa mất tiền oan.

Nhóm tư vấn của anh Hoàng nay đã được mở rộng với khoảng 50 chuyên gia tâm lý và bác sĩ cùng tham gia.

“Dự án này dành cho tất cả mọi người trên khắp cả nước, đặc biệt là những người đang ở trong tâm dịch. Ngoài ra, dự án cũng thu hút những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Đến nay, cũng đã có khoảng 2.000 người tham gia và được chúng tôi tư vấn tâm lý”, anh Hoàng cho hay.

Thai phụ bị ảnh hưởng tâm lý

Trong quá trình trị liệu và tham vấn tâm lý, anh Hoàng chia sẻ thêm rằng nhiều trường hợp tìm đến để được tham vấn và trị liệu đã có sẵn những yếu tố nội sinh, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên sự bất ổn về tâm lý đôi khi rất nặng nề.

“Tôi đang tư vấn từ xa cho một thai phụ ở Tp.HCM từ khi thai phụ này đang bầu tháng thứ 4 và hiện nay đang chuẩn bị sinh. Thai phụ này đã từng được chẩn đoán trầm cảm và phải dùng thuốc cách đây vài năm, sau đó có rối loạn lo âu và ám ảnh sợ ở mức độ nặng. Ám ảnh sợ này nặng đến mức thai phụ đang ngồi trong nhà mà có thể lao ra ngoài đường để tự tử. Chồng thai phụ phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn cô tự hại bằng các vật dụng sắc nhọn", anh Hoàng kể lại.

Về yếu tố gây tăng nặng tình trạng rối loạn lo âu, anh Hoàng nhận định do người thân của thai phụ ở xa, lâu ngày không gặp gỡ do dịch bệnh, chỉ có duy nhất hai vợ chồng hỗ trợ nhau, cộng thêm thói quen thường xuyên theo dõi những thông tin tiêu cực từ dịch bệnh khiến cho thai phụ càng rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi.

“Khi tiếp nhận trường hợp này, tôi đã dặn người chồng luôn phải để ý đến vợ. Tôi đã dùng các kỹ thuật trị liệu tâm lý với thai phụ trong vòng 4 tháng như: các kỹ thuật thư giãn, thách thức và tái cấu trúc nhận thức. Nói một cách dễ hiểu là giúp thai phụ nhận thức được những tư duy chưa phù hợp của mình, sau đó bắt đầu đề ra kế hoạch và các bài tập để thai phụ tập luyện hàng ngày. Suốt 4 tháng qua cô ấy không đã dần học cách không phụ thuộc vào việc uống thuốc nữa”, anh Hoàng cho biết thêm về tình trạng sức khoẻ của thai phụ.

Có những người bị ảnh hưởng tâm lý bởi dịch bệnh (Ảnh minh hoạ).

Ngoài trường hợp trên, theo anh Hoàng cũng có những người tìm đến nhóm trợ giúp trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng tâm lý bởi dịch bệnh như: áp lực kinh tế, cảm thấy chán nản do ở nhà lâu ngày, sức ép khi các dự định cá nhân bị hoãn hoặc hủy,…

Vị Trưởng nhóm này cho biết, khi tiếp cận với những người có vấn đề về tâm lý, chuyên gia tham vấn tâm lý sẽ là những người lắng nghe giúp cho người đang có vướng mắc tâm lý giải toả được khúc mắc, tâm sự trong lòng, sau đó cùng họ lên một vài kế hoạch phù hợp để cải thiện sức khỏe tinh thần.

“Cái khó khăn nhất khi làm công việc này đó là phần lớn những người có biểu hiện trầm cảm và một số rối loạn khác đều mang tính trầm buồn, sống thu mình lại. Vì thế, chúng tôi phải làm sao khiến cho họ cảm thấy được thấu hiểu, được lắng nghe chia sẻ thì họ mới tin tưởng và bộc lộ được cảm xúc của chính mình, từ đó các chuyên gia mới có thể hỗ trợ được tốt nhất”, anh Hoàng cho hay.

Chia sẻ thêm về khối lượng công việc hàng ngày, vị Trưởng nhóm này cho biết trung bình mỗi ngày anh tham vấn cho khoảng 6-8 trường hợp bắt đầu từ 6h30 cho đến đêm muộn. Dù bận rộn là thế nhưng anh rất may mắn vì được bà xã ủng hộ, hơn nữa cứ mỗi khi nhìn thấy những dòng tin nhắn cảm ơn của mọi người được hỗ trợ ổn định là anh cùng các cộng sự lại cảm thấy ấm lòng.

Kết thúc cuộc trò chuyện, anh Hoàng bộc bạch thêm rằng, anh cũng như các chuyên gia tư vấn/tham vấn trong nhóm đều mong có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để giúp mọi người vượt qua đại dịch. 

Cảm ơn vì đã giúp tôi trải qua giai đoạn khủng hoảng nhất

Từng được anh Hoàng kéo ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, hiện đang tham gia dự án với vai trò tiếp nhận và điều hướng người bệnh, chị H.T (nhân vật xin giấu tên-PV) luôn thầm cảm ơn người đã vực lại tinh thần cho mình: “Tôi từng là một người trầm cảm nặng, dịch bệnh giai đoạn đầu và sau 2 lần sinh con liên tiếp, áp lực tài chính phải phụ thuộc chồng, rồi những lần cãi vã vì nhiều lý do khiến tôi không thoát ra được. Tôi gần như mất kiểm soát, hại đến cả người xung quanh. Khi đó, gia đình tôi không tin là tôi bị bệnh, chỉ nghĩ là tôi làm vậy để thu hút sự chú ý. Sau đó, tôi may mắn biết đến anh Hoàng thông qua hội nhóm, anh đồng hành cùng tôi thời kỳ đầu khi tôi phải phụ thuộc vào thuốc an thần. Sau khi ổn định dần, tôi kết hợp trị liệu và cai dần, đến nay thì mọi thứ đều đã ổn. Tôi cảm thấy may mắn vì gặp được anh và muốn gửi lời cảm ơn đến người đã giúp tôi trải qua giai đoạn kinh hoàng nhất”.