Tài chính - Ngân hàng

Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sắp chi đậm trả cổ tức dịp cuối năm

Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền, cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tỉ lệ cao.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn, mã VHC) vừa thông qua nghị quyết tạm ứng cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỉ lệ thực hiện là 20%, tương ứng mỗi cổ phần nhận 2.000 đồng. Với gần 182 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VHC dự kiến chi gần 364 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Trên thị trường, cổ phiếu VHC đang giao dịch mức 64.000 đồng, tăng 54,6% so với hồi đầu năm. Thanh khoản trung bình đạt hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Tương tự, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (mã VCF) sẽ trả cổ tức 2021 bằng tiền với tỉ lệ lên đến 250%. Với tỉ lệ trên, cổ đông VCF sẽ nhận được 25.000 đồng cho mỗi cổ phiếu đang sở hữu. Theo tính toán, VCF sẽ phải chi trên 650 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) cũng sẽ chi trả tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỉ lệ 45% trong tháng 12. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/12 và ngày thực hiện là 24/12. Với hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MSH sẽ chi 225 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Một doanh nghiệp khác là Cao su Phước Hòa (mã PHR) cũng sẽ trả cổ tức đậm bằng tiền tỉ lệ 20% vào 14/12. PRH cũng sẽ tạm ứng cổ tức 2021 tỉ lệ 25% trước 20/12. Tổng tỉ lệ chi trả cổ tức của PHR là 45%. Với hơn 135 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PHR sẽ chi gần 610 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Cùng với các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch trả cổ tức. 

Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỉ lệ 12%. Ảnh minh họa từ internet 

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) cũng vừa được thông qua kế hoạch chia cổ tức. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 2 tỷ cổ phiếu BID và VCB sắp được tung ra thị trường.

Cụ thể, theo Nghị quyết Hội đồng quản trị duyệt kế hoạch thực hiện chia trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ phiếu năm 2019, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỉ lệ 12%, tức là sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng, tương đương với giá trị thanh toán 4.440 tỷ đồng, đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Ngày 23/12 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông và ngày 5/1/2022 sẽ là ngày chi trả cổ tức tiền mặt. Tổng tỷ lệ cổ tức thực hiện chia là 39,6%.

Cùng với Vietcombank, BIDV cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua.

Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.

Sau phát hành vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Hiện nay, các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV (40.220 tỷ đồng). Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ thay đổi đáng kể sau khi BIDV và Vietcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

Đào Vũ (Theo báo Tin Tức, VTC)