Đối thoại

“Nhiều khi muốn uống một chút rượu, bia rồi lái xe là không được”

Về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, ĐBQH Trần Công Phàn cho rằng cần thiết thì phải tạo ra 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH, phương án nào đa số thì làm theo.

Tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến khác nhau của các ĐBQH đó là quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình việc bổ sung vào dự thảo luật về những biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Công Phàn cho biết khi nghiên cứu, nhất là ở Điều 31 xuất hiện một khái niệm là “người lớn”. Luật quy định: “Khi trẻ em dưới 7 tuổi qua đường thì phải có người lớn dẫn dắt”.

Đại biểu Trần Công Phàn băn khoăn “người lớn” là ai thì không quy định rõ. “Nếu người lớn mà hiểu là người đã thành niên thì tôi cho rằng hơi sót. Bởi, 14, 15 tuổi là có thể dẫn trẻ sang đường được rồi, thậm chí 14, 15 tuổi có khi lại dẫn người lớn, người già đi qua đường”, đại biểu Trần Công Phàn nêu ý kiến và cho rằng người có năng lực hành vi dân sự và ở một độ tuổi nhất định nào đó dẫn được trẻ em dưới 7 tuổi sang đường. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ điều này trong luật.

ĐBQH Trần Công Phàn.

Liên quan đến quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng cái gì cũng có mặt đúng.

“Cấm tuyệt đối cũng đúng nhưng cấm ở một ngưỡng nào đó thì cũng có chuẩn của nó. Trên thế giới có rất ít nước cấm một cách tuyệt đối, người ta vẫn cấm ở một ngưỡng nào đó, chỉ có khoảng trên 20 nước là cấm một cách tuyệt đối”, đại biểu Trần Công Phàn cho hay.

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, khi cấm tuyệt đối thì dường như chưa đánh giá tác động, ảnh hưởng tới vấn đề truyền thống, phong tục tập quán.

“Thậm chí, nhiều khi người ta chỉ muốn uống một chút rượu, hay một chút bia để đảm bảo như một tập tục rất đẹp, rất hay nhưng một chút như vậy rồi lái xe là không được”, đại biểu Trần Công Phàn nêu ý kiến.

Vì vậy, ĐBQH Trần Công Phàn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chọn một phương án nào đó cho phù hợp. Cuối cùng, cần thiết thì phải tạo ra 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội, phương án nào đa số thì làm theo.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, tại kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, ông đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe vì cho rằng chúng ta nên quy định cùng xu hướng với đa số các nước trên thế giới.

Việc lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi mức vượt 0 hay vượt 0.25 mg/1l khí thở tương đương với vừa uống một chai bia 330ml cũng không khác gì nhau. Thậm chí, có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để xác định độ tỉnh táo của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân.

Đại biểu đoàn Bình Dương cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, có cử tri nêu ý kiến đề nghị tiếp tục giữ mức quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng cũng có người cho rằng, quy định như vậy là quá chặt.

“Có lẽ trong số các đại biểu Quốc hội ngồi đây vẫn còn 2 ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy vậy, thành thực mà nói, cả hai loại ý kiến trên đều có vẻ định tính, chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định quan điểm nào là đúng”, ông Huân nói.

Ông Huân cho rằng, ông không cố bảo vệ quan điểm nồng độ cồn bằng 0 hay có ngưỡng vì có thể đúng ở đối tượng này mà chưa chắc đúng ở đối tượng kia. Hoặc có thể bây giờ đúng nhưng 10 năm sau chưa chắc đã đúng.

Do vậy, ông Nguyễn Quang Huân đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm những cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho luật thông qua thấu tình, đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số nhân dân, như thế Luật sẽ có tuổi thọ cao.

Cơ sở thuyết phục ở đây đó là các số liệu thống kê xã hội học, như có bao nhiêu phần trăm các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Và trong số vụ tai nạn đó bao nhiêu phần trăm do vượt ngưỡng, chủ yếu ở lứa tuổi nào? Đặc điểm chung của nhóm đối tượng vi phạm.

Nếu số vụ tai nạn đa số do vượt ngưỡng rượu bia gây ra, các vụ tai nạn do rượu bia chỉ tập trung ở một nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và áp dụng các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông chứ không lấy cái riêng đơn lẻ áp dụng cho cái chung. Nghĩa là khi đó không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

“Ngược lại, nếu số liệu cho thấy tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỉ lệ lớn, phân bố ở mọi đối tượng độ tuổi, thành phần, độ tuổi, không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào luật. Có như vậy khi luật được thông qua sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan”, ông Huân cho hay.

Tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận tất cả các ý kiến của các ĐBQH. Đồng thời, cho biết sẽ kết hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ báo cáo Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua luật.

“Về nồng độ cồn, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá thêm”, ông Lê Tấn Tới cho biết.