Toàn cảnh

Nhiều hãng hàng không lớn hủy chuyến bay đến Mỹ vì lo ngại sóng 5G

Một số hãng hàng không trên thế giới đang liên tiếp hủy các chuyến bay đến Mỹ khi nước này phủ sóng 5G. Lý do là sóng 5G có thể ảnh hưởng tới an toàn hàng không.

Theo CNBC, bất chấp cam kết của AT&T và Verizon - hai nhà mạng khai thác mạng 5G của Mỹ - về việc trì hoãn bật một số tháp 5G gần các sân bay, hãng hàng không Japan Airlines, All Nippon Airways và Emirates Airline vẫn tuyên bố một số chuyến bay tới Mỹ sẽ tạm dừng.

Hãng sử dụng nhiều máy bay Boeing 777 nhất thế giới, Emirates, thông báo sẽ tạm dừng các chuyến bay đến 9 sân bay tại Mỹ kể từ ngày 19/1, ngày dự kiến triển khai dịch vụ không dây 5G.

Các điểm đến bị ảnh hưởng là Boston, Chicago, Dallas/Fort Worth, Orlando, Florida, San Francisco, Newark, New Jersey và Seattle. Các chuyến bay đến Los Angeles, sân bay quốc tế Kennedy ở New York và Washington D.C vẫn sẽ hoạt động như lịch trình.

Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) cùng ngày 18/1 thông báo sẽ cắt giảm các chuyến bay của Boeing 777 đến Mỹ.

ANA xác nhận việc hủy chuyến và cắt giảm là do hãng đang thay đổi loại máy bay được sử dụng trong các chuyến bay tới Mỹ. JAL thì tuyên bố sẽ không khai thác Boeing 777 cho đến khi FAA xác nhận máy bay này không bị sóng 5G ảnh hưởng.

Các hãng hàng không cho biết, họ đã hành động nhanh chóng sau khi có thông báo từ Boeing rằng tín hiệu 5G có thể gây nhiễu máy đo độ cao vô tuyến trên Boeing 777. 

Máy đo độ cao vô tuyến cho phép đo chính xác độ cao của máy bay so với mặt đất. Việc thiết bị này bị nhiễu có thể đe dọa an toàn của máy bay trong lúc cất/hạ cánh, theo Hãng tin Reuters.

Các hãng máy bay cũng đã cảnh báo những lo ngại về an toàn hàng không sẽ buộc họ phải hủy các chuyến bay đến Mỹ và liên tục thúc giục Nhà Trắng phải vào cuộc.

Mới đây, các CEO của 10 hãng hàng không chở khách và hàng hóa, bao gồm American, Delta, Southwest, United và FedEx, đã thúc giục các quan chức liên bang, bao gồm Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg, thiết lập vùng đệm 2 dặm không có 5G xung quanh đường băng. "Nói thẳng ra, thương mại của quốc gia sẽ bị ngừng trệ trừ phi mạng 5G bị hạn chế xung quanh các sân bay lớn", các CEO cho biết trong một bức thư gửi quan chức chính phủ Mỹ.

Về phía AT&T và Verizon, trong một tuyên bố mới đây, họ cho biết các tháp 5G của họ sẽ không gây nhiễu cho các thiết bị đo độ cao của các máy bay và các thiết bị điện tử hàng không khác. Hai nhà mạng trên khẳng định, công nghệ này đang được sử dụng an toàn ở hơn 40 quốc gia.

Tuy nhiên, phản ứng của ngành hàng không đang tạo ra áp lực không nhỏ lên ban lãnh đạo AT&T và Verizon. Hai nhà mạng này đã chi hàng chục tỷ USD để có được giấy phép khai thác 5G C-band, theo AFP.

Trong thông báo ngày 18/1 (giờ Mỹ), AT&T và Verizon cho biết sẽ hoãn việc bật tháp 5G gần các sân bay lớn của Mỹ và nhấn mạnh hành động này là hoàn toàn tự nguyện, tạm thời. "Chúng tôi vẫn sẽ tung ra các dịch vụ 5G tiên tiến ở những nơi khác", đại diện AT&T nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Tuổi Trẻ Online)