Kinh tế vĩ mô

Nhiều điểm mới trong quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030

Tỉnh Lâm Đồng có 7 mục tiêu phát triển để trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò đối với vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2030.

Hướng tới trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Ngày 9/5, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự kiến trong tháng 5/2024 tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng trong tháng 5/2024.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự kiến UBND tỉnh sẽ tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, với tổng vốn dự kiến hơn 17.231 tỷ đồng.

Một góc thành phố Đà Lạt.

Theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Các dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh gồm 227 dự án gồm: 26 dự án giao thông vận tải, 11 dự án công nghiệp, 34 dự án văn hóa - thể thao - du lịch, 36 dự án y tế, 6 dự án giáo dục đào tạo, 20 dự án thương mại dịch vụ, 62 dự án khu dân cư - khu đô thị, 12 dự án phát triển nông nghiệp.

Toàn cảnh nhà máy nhôm Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm).

Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Tỉnh sẽ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.

Và mục tiêu phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.

Quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt) về đêm.

Về tổ chức không gian lãnh thổ đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm các khu vực:

Khu vực nội thành gồm: thành phố Đà Lạt mở rộng (thành phố Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); thành phố Bảo Lộc mở rộng (thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.

Khu vực ngoại thành gồm: 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).

Thành phố Bảo Lộc nhìn từ trên cao.

Tình hình phát triển kinh tế chưa đạt yêu cầu

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận tình hình phát triển kinh tế ở tỉnh Lâm Đồng không đáp ứng được yêu cầu, điển hình là thu ngân sách, thu hút đầu tư và tỷ trọng tăng trưởng kinh tế đều thấp.

"4 tháng qua không thu hút được nhà đầu tư nào đến Lâm Đồng, tỷ trọng tăng trưởng kinh tế đứng thứ 54 trong toàn quốc. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế này", ông Phạm S nhấn mạnh.

Trong quý I-2024, địa phương không có dự án đầu tư cấp mới; có 7 dự án điều chỉnh nội dung đầu tư, gồm 4 dự án trong khu công nghiệp và 3 dự án ngoài khu công nghiệp, tổng vốn điều chỉnh tăng 3.528 tỷ đồng; 3 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư với số vốn đăng ký 57 tỷ đồng.

Khu vực khai thác cao lanh tại xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc).

Thời gian này, tỉnh Lâm Đồng có 277 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 10,4%), 440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 37,5%), 73 doanh nghiệp giải thể (tăng 40,4%); đồng thời có 157 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 36,5%).

Do vậy, việc sắp tới sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 17.200 tỷ đồng sẽ là động lực cho tỉnh Lâm Đồng phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới.