Chính sách

Nhiều ĐBQH băn khoăn về dự thảo quy định hàm cấp tướng trong lực lượng công an

Thảo luận về dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào chiều ngày 6/11, nhiều ĐBQH đã tranh luận xung quanh nội dung quy định về hàm cấp tướng. Trong đó, có ý kiến cho rằng, phải minh bạch tất cả các chức danh được phong hàm tướng để tránh vận dụng một cách tùy tiện.

Thảo luận về dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào chiều ngày 6/11, nhiều ĐBQH đã tranh luận xung quanh nội dung quy định về hàm cấp tướng.

Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi đánh giá rất cao lực lượng công an đã đi đầu trong việc cải cách tổ chức bộ máy, thu giảm đầu mối. Chúng ta đã thu gọn đầu mối thì phải đi liền với giảm biên chế và đặc biệt là phải giảm số lượng cấp tướng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này chúng ta đề nghị lại tăng. Vấn đề này cũng cần phải hết sức xem xét thận trọng”.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng: “Tại điểm d, khoản 1, Điều 25 dự thảo luật này quy định Giám đốc công an 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 (trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có cấp bậc, hàm cao nhất là thiếu tướng. Quy định này chưa thực sự thuyết phục vì không có tiêu chí cụ thể về an ninh trật tự mà chỉ căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.

Mặt khác, số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 có thể biến động. Nếu quy định cứng là 11 có thể sẽ phải sửa đổi luật khi có số lượng đơn vị hành chính tăng lên.

Ngoài ra, để bảo đảm các chế độ của công an nhân dân và quân đội nhân dân, tôi đề nghị trong thời gian tới cần xem xét sớm sửa đổi luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để quy định về cấp bậc hàm của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương loại 1 tương đương với công an nhân dân”.

ĐBQH Bùi Đức Hạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Bùi Đức Hạnh (đoàn Thừa Thiên - Huế) nói: “Để tương thích với luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị thể hiện rõ các chức danh được phong quân hàm trung tướng, thể hiện rõ các tỉnh mà Giám đốc công an được phong thiếu tướng và thể hiện rõ số lượng cấp phó của các cục được phong thiếu tướng mà các cục đó, đồng chí cục trưởng được phong quân hàm trung tướng.

Hay nói cách khác, thể hiện tất cả các chức danh được phong hàm tướng vào trong luật cho minh bạch, tương thích giống như luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay và cũng như giống như luật Công an nhân dân hiện hành cho rõ ràng, tránh vận dụng một cách tùy tiện”.

Cũng liên quan đến điều 25 của dự thảo luật quy định về phong tướng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh: “Tôi cho rằng ý kiến Đại biểu Bùi Đức Hạnh đoàn Thừa Thiên - Huế là rất có lý. Việc phong hàm tướng là vấn đề rất quan trọng.

Bởi vì, tướng quân là một vị trí cao thượng, phải đứng ở tầm chiến lược chứ không thể cộng các việc nhỏ vào để phong tướng. Một đồng chí ở vị trí cấp tướng đối với nhân dân là vô cùng kính trọng, đối với quân đội, công an là rất nể phục.

Tôi đề nghị chúng ta phải theo quy tắc giữ quỹ hàm cấp tướng làm sao cho chuẩn xác. Phải xác định vị trí rõ ràng, xứng đáng để các đồng chí phấn đấu vào chức vụ này cũng cảm thấy tự hào và những người khác phải kính nể”.