Tiêu điểm

Nhiều cơ quan thuế lạm quyền, tuỳ tiện trong việc áp thuế bất động sản

Theo ĐBQH, việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS ở các địa phương không thống nhất, mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Sáng 1/6, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về kinh tế, xã hội, ngân sách và đề xuất kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chống thất thu thuế trong giao dịch BĐS

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đánh giá, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đóng vai trò rất quan trọng của nền kinh tế.

Hai loại hình này trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nhiều sai phạm lớn trong các lĩnh vực này đã bị phát hiện và phanh phui, trong đó đã khởi tố vụ án tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và các cơ quan liên quan như tổ chức hành nghề công chứng, thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, bước đầu nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn chung chung, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề.

Cụ thể là, theo quy định của pháp luật, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá hợp đồng thực tế, trường hợp hợp đồng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất Nhà nước quy định thì giá tính thuế theo khung giá đất.

Đại biểu Phan Thái Bình chỉ ra một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai.

Ông Bình nói, bản chất, đây là giao dịch dân sự có sự thoả thuận của hai bên mua và bán, như vậy, nguồn gốc của thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân tham gia giao dịch bất động sản và bảng giá đất của các địa phương hiện nay chưa sát với giá thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Thế nhưng, hiện không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Chính vì vậy, áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu.

"Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tuỳ tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp nhận giá tính thuế cao hơn 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ.

Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản theo khảo sát. Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra", ông Bình phát biểu.

Tình trạng trên, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh, dẫn đến việc một số nơi có hồ sơ chậm giải quyết quá hạn khá lớn, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, quyền lợi người dân. Một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Một số người dân buộc phải chấp nhận tiêu cực để giải quyết hồ sơ thuận lợi, ông Bình nêu thực tế.

Trước cử tri cả nước, vị đại biểu Quảng Nam khẳng định, về nguyên tắc, cá nhân kê khai giá bất động sản sai giá thực tế, có sai lệch giá thực tế và giá trên hợp đồng phải chịu trách nhiệm về hành chính và hình sự. Những hành vi gian lận này phải được lên án và chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh.

Song, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng, chỉ đạo của Bộ Tài chính và một số UBND cơ quan liên quan trong hoạt động này còn chung chung, vô tình dẫn đến nguy cơ tạo công cụ, phương tiện cho một số cơ quan, chủ thể khác có điều kiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân.

Từ phân tích trên, ông Bình đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất sát với giá thị trường đất đai. UBND cấp tỉnh, thành phố cập nhật đúng, đủ giá giao dịch bất động sản đảm bảo sát giá thị trường áp dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tính chi phí bồi thường cho người dân, đảm bảo công bằng, bình đẳng.

Bộ Tài chính, cơ quan thuế quy định các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu

Chống hành vi thao túng, thông tin bịa đặt, mập mờ

Cũng tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định.

Tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Đại biểu cho rằng cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.

Tương tự, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng chỉ ra việc lợi dụng phòng chống dịch, xuất hiện tình trạng tham nhũng; tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh…

Về giải pháp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao bộ máy quản lý một cách thực chất; điều chỉnh bổ sung chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới kỹ thuật công nghệ, cơ sở kinh tế; có giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước.

"Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu, chứng khoán có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi, chủ yếu đến từ tâm lý nhà đầu tư, bởi vậy cần có giải pháp kết hợp, kiên quyết đấu tranh chống những hành vi thao túng, thông tin bịa đặt, mập mờ", ông Phương nói.