Sức khỏe

Nhiều bệnh nhi ở Đồng Nai tái sốc sốt xuất huyết nguy hiểm

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tình trạng tái sốc sốt xuất huyết trong mùa bệnh năm nay xảy ra khá nhiều, có bệnh nhi tái sốc nhiều lần nguy hiểm tới tính mạng.

Sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu. Bệnh nhân có thể có những diễn biến bất thường hơn, cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là trên những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gan thận,... hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết các bác sĩ đã cấp cứu thành công một ca tái sốc sốt xuất huyết nhiều lần, hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Phun xịt khử trùng tại phường Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai

Được biết, nhiều trường hợp bệnh nhi bị tái sốc, tổn thương cơ quan nội tạng như thận, gan, trong trường hợp quá nặng, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu.

Ngoài ra, cần theo dõi sát sao để cấp cứu kịp thời, bởi sốc sốt xuất huyết kéo dài sẽ có nguy cơ tiến triển thành sốc không hồi phục và dễ dẫn đến tử vong.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trên địa bàn tỉnh hiện đã ghi nhận sự có mặt của 3 tuýp virus sốt xuất huyết là D1, D2, D4. Qua phân lập mẫu virus thì tuýp D2 chiếm ưu thế với tỷ lệ trên 78%.

Trong tuần thứ 2 của tháng 9, toàn tỉnh có trên 760 ca nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết lần hai thường nặng hơn lần đầu là do lần đầu mắc bệnh, bệnh nhân thường mắc sốt xuất huyết do virus type D1 gây ra. Đây là type cổ điển với những biểu hiện lâm sàng nhẹ như: người mệt mỏi, nhức đầu, xuất huyết ít, thời gian mắc bệnh ngắn.

Theo báo cáo ngày 4/7/2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, Philippines đã ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, trong đó có 398 trường hợp tử vong, số mắc tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Malaysia đã ghi nhận 62.421 trường hợp mắc, trong đó có 93 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Nhiều nước như: Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc... đã ghi nhận số mắc hàng tuần tăng cao so với cùng kỳ 2018 và dự báo còn diễn biến phức tạp, gia tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, trong các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tính đến ngày 30/6/2019 cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 người tử vong.

Trong thời gian qua, bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế tại các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho chính quyền tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động như truyền thông phòng chống dịch; giám sát dịch tễ chủ động, phát hiện và xử lý sớm ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có nguy cơ cao; dự báo, đánh giá nguy cơ dịch bệnh để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống kịp thời.

Hiện nay, đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.

Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Minh Anh (Tổng hợp)