Hồ sơ doanh nghiệp

Nhiệt điện Phả Lại báo lãi đột biến do nhận cổ tức từ công ty góp vốn

Quý II/2023, Nhiệt điện Phả lại nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ các đơn vị mà công ty góp vốn, nhờ đó công ty báo lợi nhuận sau thuế tăng vọt, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.404 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 7,2% còn 103,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ Nhiệt điện Phả Lại nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ các đơn vị mà công ty góp vốn, giúp cho doanh thu tài chính tăng đột biến gấp gần 15 lần lên 103,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ công ty lại không ghi nhận khoản này.

Khấu trừ các chi phí, Nhiệt điện Phả Lại đạt 186,4 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 167 tỷ đồng, gấp 2,5 lần quý II năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp ghi nhận kể từ quý I/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu 2.714 tỷ đồng, lãi sau thuế 207,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 40% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Nhiệt điện Phả Lại đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.948 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 266 tỷ đồng. Với kết quả trên, sau 6 tháng công ty đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Nhiệt điện Phả Lại đạt 5.853 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản mục lớn nhất là đầu tư tài chính dài hạn là 2.500 tỷ đồng. Đây là các khoản đầu tư vào các công ty liên kết cũng như các đơn vị khác. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 700 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn 1.541 tỷ đồng.

Nhiệt điện Phả Lại không có nợ vay tài chính tính đến cuối tháng 6/2023. Vốn chủ sở hữu đạt 5.331 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 3.262 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 625 tỷ đồng.

Tại báo cáo ngành điện mới công bố, Chứng khoán VNDirect nhận định nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng tỉ trọng lên 34% nhờ sự bổ sung của 2.632MW đi vào vận hành, theo sau là thủy điện, chiếm 29% tổng công suất với 1.636MW nguồn bổ sung. Công suất suất các nguồn điện khác không thay đổi nhiều và chỉ có năng lượng tái tạo ghi nhận các dự án chuyển tiếp nhưng chưa rõ thời gian đi vào vận hành.

VNDirect kỳ vọng sản lượng điện than sẽ dần cải thiện trong năm nay, tăng 8 - 12% so với mức huy động thấp năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng của nguồn điện này sẽ có sự khác biệt tùy theo khu vực và loại than đầu vào.

Dự kiến giá than thế giới sẽ vẫn neo cao do nhu cầu lớn khi Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế, trong khi về phía cung, Australia đã thông qua những đạo luật mới nhằm hạn chế phát thải, yếu cầu các mỏ than cắt giảm sản lượng, gây áp lực lên năng lực xuất khẩu của nước này. Australia hiện là một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đặc biệt là cho khu vực châu Á.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, các nhà máy nhiệt điện sử dụng chủ yếu than nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn như Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) do miền Bắc ghi nhận mức tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước do tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn và đang phát triển rất nhanh. Hơn nữa, các nhà máy than miền Bắc thường ghi nhận chi phí vận chuyển thấp hơn với nguồn đầu vào được đảm bảo do vị trí gần mỏ than.