Thế giới

Nhiễm Omicron có thể liên quan đến làn sóng viêm gan bí ẩn

Giáo sư Nishiura cho rằng điểm bất thường trong làn sóng viêm gan bí ẩn hiện nay là các nước có số ca nhiễm Omicron lớn cũng có nhiều trẻ mắc viêm gan bí ẩn.

Trong nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp của Bộ Y tế Nhật Bản ngày 12/5, Giáo sư Hiroshi Nishiura, Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho rằng việc nhiễm Omicron có thể đóng vai trò nào đó với làn sóng viêm gan bí ẩn.

Giáo sư Hiroshi Nishiura cho biết, điểm khá bất thường trong làn sóng viêm gan bí ẩn hiện nay, đó là các quốc gia báo cáo về số lượng lớn ca nhiễm Omicron như Anh, Mỹ, cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc viêm gan bí ẩn, theo Japan Times.

Theo ông Nishiura, trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh hiện không đủ điều kiện để tiêm vắc-xin nên nguy cơ mắc bệnh viêm gan nặng có thể cao hơn sau khi nhiễm virus adeno, nhất là tại các nước làn sóng Covid-19 vẫn chưa hạ nhiệt.

“Không thể phủ nhận khả năng nhiễm Omicron có liên quan đến sự xuất hiện của viêm gan nặng ở trẻ em. Để ngăn ngừa làn sóng viêm gan bí ẩn, các quốc gia cần tập trung giảm thiểu sự lây lan của Omicron”, Giáo sư Nishiura nêu ý kiến.

Giáo sư Nishiura nhấn mạnh, sẽ cần những nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ nhân quả giữa nhiễm Omicron và viêm gan ở trẻ em, đồng thời ông thừa nhận nghiên cứu của mình còn hạn chế như dữ liệu nhiễm Omicron gồm mọi lứa tuổi, không riêng trẻ em.

Nghiên cứu của Giáo sư Nishiura đang chờ phản biện trước khi công bố trên tạp chí học thuật. Ông và cộng sự đưa ra kết luận trên sau khi xem xét mối liên quan giữa số ca mắc viêm gan bí ẩn và ca nhiễm Omicron ở 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Romania từ ngày 1/12/2021 đến 27/4/2022. Tính đến nay, 12 quốc gia được theo dõi đã ghi nhận trẻ mắc viêm gan bí ẩn.

Trong diễn biến liên quan, trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, chuyên gia Philippa Easterbrook thuộc chương trình viêm gan toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong tuần qua đã có nhiều tiến triển quan trọng, với các cuộc điều tra sâu hơn và một số sàng lọc rõ ràng về các giả thuyết liên quan đến nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn.

Theo bà Easterbrook, Anh đã điều phối một loạt nghiên cứu toàn diện về di truyền học ở những em nhỏ mắc bệnh, phản ứng miễn dịch, virus cũng như nghiên cứu về dịch tễ sâu hơn.

Các giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn này hiện nghiêng về phía virus adeno dù vẫn có sự cân nhắc đáng kể về vai trò của Covid-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc từng mắc trước đó.

Cụ thể, các xét nghiệm sâu hơn trong tuần qua đã xác nhận khoảng 70% số ca mắc có kết quả dương tính với virus adeno, loại phụ 41 phổ biến thường liên quan đến chứng viêm dạ dày.

Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy khoảng 18% dương tính với Covid-19. Dự kiến các nghiên cứu trong tuần sau sẽ tập trung tìm hiểu về những lần phơi nhiễm và mắc Covid-19 ở các ca bệnh.

Theo thống kê của WHO, ít nhất 450 ca mắc viêm gan bí ẩn đã ghi nhận trên toàn cầu và đặc biệt chỉ 6 quốc gia có số bệnh nhi dưới 5. Bộ Y tế Nhật Bản đến nay xác định được 7 trẻ mắc bệnh. Trong khi đó, Mỹ đang theo dõi 109 ca.

Các triệu chứng của bệnh gồm đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da và tăng men gan. Khi xét nghiệm với những virus gây viêm gan thông thường như A, B, C, D, E, các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào tương tự.

Ngày 5/4, WHO nhận được báo cáo đầu tiên về 10 trẻ viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ dưới 10 tuổi tại Scotland. Đến nay, dịch đã lan sang ít nhất 27 quốc gia.

Tại châu Á, 6 nước đã phát hiện trẻ mắc bệnh gồm Indonesia (15), Hàn Quốc (1), Singapore (1), Nhật Bản (7), Israel (12), Palestine (1). Đặc biệt, Indonesia là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 6 trường hợp, theo sau là Mỹ (5), Ireland (1) và một ca không rõ ở nước nào.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Vietnam+)