Tâm sự

Nhảy ra ngoài cửa sổ

"Nhảy ra ngoài cửa sổ" - câu ví von của một người cấp trên đã khiến con đường làm báo của tôi bước sang một ngã rẽ mới.

Đối với tôi nghề báo không phải là công việc mong ước từ thuở bé. Nghề báo vất vả, hiểm nguy, lại chẳng có tiền. Dù khá thích nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đam mê đến mức dấn thân, hay nung nấu, dằn vặt để tạo nên một tác phẩm để đời, vang bóng như những nhà báo yêu nghề khác.

Nên khi cơ duyên đến với tòa soạn Đời sống và Pháp luật, tôi chọn cho mình một mảng công việc khá nhẹ nhàng, đa phần là ngồi một chỗ. Đó là biên dịch và viết bài cho mục Quốc tế. Tôi đến với nghề báo với tâm lý khá tự tin, mơ mộng về một môi trường năng động, vui vẻ, nhàn hạ. Nhưng suy nghĩ ban đầu của tôi quá sai lầm. Nghề báo chẳng có cái mảng công việc nào gọi là nhẹ nhàng, dễ thở cả.

Ngày ấy mục Quốc tế trên Người Đưa Tin chỉ có hai người làm. Một là thư ký phụ trách mục, người thứ hai là một biên dịch viên trạc tuổi tôi. Tôi được cho cơ hội thử việc cho mục. Tôi hào hứng giới thiệu bản thân mình với anh thư ký phụ trách. Anh là một người lạnh lùng và ít nói, thậm chí còn không liếc nhìn tôi lấy một lần.

Ảnh minh họa. 

Chẳng màng đến những lời giới thiệu đậm chất văn mẫu, khoa trương của tôi, anh chỉ bảo tôi dịch thử một tin bài khoảng 500 chữ. Cặm cụi khoảng 40 phút sau, khá hài lòng về bản dịch của mình, tôi gửi “tác phẩm đầu tay” cho anh bình phẩm.

Tưởng rằng khi đọc xong, khuôn mặt lạnh lùng của anh thư ký sẽ dãn ra, nở nụ cười ưng ý và chính thức giao việc cho tôi, nhưng không, anh đọc bài xong – cũng chẳng hề liếc nhìn - nói một câu làm tôi chết trân: Em không có khả năng và không có tố chất làm báo. Em nên tìm công việc khác.

Tôi ngớ người một hồi, nhưng vẫn nài nỉ anh cho làm thử thêm một vài bài. Anh vẫn lắc đầu từ chối. Giải thích với tôi rằng: Thứ nhất, một tin bài 500 chữ mất đến 40 phút để biên dịch là quá lâu đối với yêu cầu cập nhật tin tức của một tờ báo. Thứ hai, bản dịch tuềnh toàng, sơ sài, không khác gì trẻ con tập viết, không mang văn phong báo chí, không đủ 5W1H, không rõ nội dung hướng đến là gì, từ chuyên dụng không chuẩn xác, kiến thức nền không có.

Từ sau màn đánh giá năng lực chóng vánh đó, anh không màng đến tôi nữa. Hàng ngày tôi đến như một kẻ vật vờ. Nhưng không bỏ cuộc, tôi tiếp tục tự tìm đề tài, tự gửi bài. Nếu như là phóng viên thử việc các mảng khác, họ có thể đi theo những phóng viên cứng để học hỏi, nhưng đặc thù mục Quốc tế hiếm người, tôi chẳng được ai giúp đỡ.

Một tuần tiếp theo, tôi vẫn cố chấp tự làm tự gửi bài qua email cho anh thư ký phụ trách. May mắn thay, tôi được anh sửa cho một bài và đăng trên báo, được lượng người đọc khá. Tưởng rằng anh đã chấp nhận các bài viết của tôi. Nhưng kết cục còn bi thảm hơn, trong cuộc họp toàn thể cơ quan, anh báo cáo với ban biên tập xin trả lại tôi vì năng lực yếu kém. Anh nói một câu giữa cuộc họp mà đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ và nhớ như in: Đọc bài của cậu Kiên tôi chỉ muốn nhảy ra ngoài cửa sổ!

Khi chê bài viết, các sếp thường hay nói “bài của mày chỉ đáng vứt sọt rác” hay “mày viết gì mà thối thế này”. Nhưng anh thư ký của tôi chẳng nói gay gắt như thế, anh chỉ nói mình muốn nhảy ra khỏi cửa sổ. Mà nhảy ra khỏi cửa sổ tòa nhà cao tầng như tòa soạn tức là anh muốn chết. Anh muốn truyền đạt thông điệp cho tôi rằng: Đọc bài của cậu tôi thà chết còn hơn. Và đó là lời khước từ không thể nào cay đắng hơn đối với một đứa trẻ huyênh hoang chập chững bước vào nghề báo như tôi.

Tất nhiên cơ hội của tôi đóng lại ngay từ đó. Tôi khăn gói quả mướp ra đi sang một trang khác học việc. Tôi đã tức tối, chửi mắng cái gã làm bẽ mặt mình giữa cuộc học là kẻ không ra gì, ma cũ bắt nạt ma mới. Tôi hậm hực mấy ngày sau, rồi quyết tâm làm nghiêm túc hơn, làm những bài tốt hơn như một cách để “trả thù” hắn.

Để rồi sau quãng thời gian nghiêm túc học hỏi, tôi dần hoàn thiện kỹ năng, dịch bài nhanh hơn, chuẩn xác hơn và đúng với văn phong báo chí hơn. Khi ấy tôi mới nhận ra rằng những bài dịch ngày xưa của tôi quả thật cẩu thả, nhảm nhí, chẳng ra cái gì. Và có lẽ anh thư ký đó nói đúng. Tôi đọc lại bài dịch năm xưa mà cũng muốn nhảy ra khỏi cửa sổ cho rồi.

Từ đó, tôi bỏ cái tính huênh hoang của mình, nghiêm túc với công việc, nhìn nhận rằng bất cứ lĩnh vực nào của nghề báo cũng đều khó, chẳng thể bập vào là làm được ngay hay “cưỡi ngựa xem hoa”, mà phải rèn luyện, phải thực hành thật nhiều thì mới thành công.

Mấy tháng sau, tôi trở lại làm cho mục Quốc tế sau khi anh thư ký phụ trách ra đi. Tôi được cho cơ hội nhiều hơn, được chỉ dẫn tận tình và tiến bộ nhiều hơn. Và câu chuyện về “nhảy ra ngoài cửa sổ” vẫn in hằn trong tôi như một bài học đi cùng năm tháng.

Cho đến bây giờ, sau 5 năm làm việc tại Đời sống và Pháp luật, tôi đã có độ chín về nghề. Đã có thể hướng dẫn cho nhiều thế hệ các em sinh viên thực tập, hỗ trợ cho đồng nghiệp. Mỗi người chúng ta cần có những động lực khác nhau để tiến bộ. Và tôi đã có một cú thúc khá đau đớn về mặt tinh thần để có được thành quả như ngày nay.

5 năm nếu so với tuổi đời 20 năm của Đời sống và Pháp luật quả thực không dài, nhưng 5 năm đối với một người làm nghề thì cũng chẳng ngắn. Tình yêu với nghề trong tôi lớn dần lên và tờ báo thơm mùi mực, con chữ, tin tức đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi.

Không sôi động như các phóng viên chuyên mục khác, nhưng làm biên dịch cũng nhiều kỷ niệm, những vất vả, khó khăn. Thức đêm chờ tin tức mới, căng thẳng cập nhật từng phút các sự kiện nóng như bầu cử Mỹ, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, khủng bố châu Âu… Rồi những lần suýt bị phạt vì nội dung, cách dùng từ nhầm lẫn, nhạy cảm. Yêu cầu bài dịch không chỉ đơn giản là dịch là xong mà còn phải dễ hiểu, xúc tích, nhạy cảm về mặt chính trị, ngoại giao.

Một người anh đồng nghiệp từng nói với tôi rằng, với những người mới vào nghề, không nơi đâu tốt hơn Đời sống và Pháp luật và khi đã làm việc ở đây rồi thì dù có sang tờ báo nào cũng có thể làm tốt được. Đó là bởi không nơi đâu đòi hỏi sự chuyên nghiệp và khắt khe như Đời sống và Pháp luật – và cũng không tòa soạn nào dành nhiều cơ hội cho người trẻ như Đời sống và Pháp luật.

Tôi sẽ đi cùng với Đời sống và Pháp luật thêm bao lâu? Sẽ vẫn ở đây trong dịp kỷ niệm 25 năm hay 30 năm - tôi cũng không biết nữa. Nhưng Đời sống và Pháp luật vẫn mãi là tuổi trẻ nhiệt huyết của tôi, là bước đệm cho những cú bật dài trên đường đời sau này.

Trương Mạnh Kiên