Thế giới

Nhật Bản sẽ tiếp tục dự án năng lượng Sakhalin-1 với Nga

Nhật Bản muốn đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Moscow theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiếp tục tham gia vào dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông của Nga sau khi gã khổng lồ dầu khí Mỹ Exxon Mobil Corp rút lui.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với báo chí hôm 1/11 rằng chính phủ đã yêu cầu một tập đoàn Nhật Bản giữ cổ phần của họ trong dự án.

Động thái trên không gây ngạc nhiên vì các quan chức Nhật Bản đã nhấn mạnh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine rằng dự án này rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản, Bloomberg cho biết.

Nhật Bản - quốc gia nghèo tài nguyên và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu - đang muốn đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Moscow theo sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Sakhalin-1 là nguồn cung cấp ngoài Trung Đông có giá trị cho Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc vào 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản là cổ đông trong Công ty Phát triển Dầu khí Sakhalin có trụ sở tại Tokyo (SODECO) - sở hữu 30% cổ phần điều hành hiện tại của Sakhalin-1 - cùng với các nhà đầu tư khác bao gồm Itochu, Japan Petroleum Exploration và Marubeni.

Hồi tháng 3, ExxonMobil, công ty nắm giữ 30% cổ phần của Sakhalin-1, đã thông báo sẽ rút khỏi dự án. Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập ban lãnh đạo mới cho Sakhalin-1, và chỉ định công ty con của công ty dầu khí Nga Rosneft, Sakhalinmorneftegaz, làm nhà điều hành mới của dự án.

Các công ty Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục đầu tư vào dự án hay không sau khi thảo luận với các bên liên quan khác, Nikkei Asia cho biết.

Sản lượng dầu tại dự án Sakhalin-1 đã giảm xuống chỉ còn 10.000 thùng/ngày vào tháng 7, từ mức 220.000 thùng/ngày trước khi chiến sự bùng phát.

Hồi tháng 7, một sắc lệnh tương tự đã được ban hành để trao cho Nga toàn quyền kiểm soát Sakhalin-2, một dự án khí đốt và dầu khác ở vùng Viễn Đông của Nga, với Shell và các công ty Nhật Bản Mitsui và Mitsubishi là đối tác.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Nikkei Asia)