Thế giới

Nhật Bản sẽ không rút lui khỏi dự án LNG của Nga

Sakhalin-2 cũng chính là dự án mà Tập đoàn Shell của Anh đã công bố kế hoạch thoái vốn.

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã khiến sự tham gia của Nhật Bản vào dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 và những dự án tương tự ở Nga trở thành tâm điểm chú ý vì nhiều công ty khai thác dầu mỏ phương Tây đã đưa ra quyết định rút lui để phản ứng trước sự gây hấn của Moscow đối với Kiev, Reuters cho biết. Nga gọi các hoạt động của họ ở Ukraine là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Nhật Bản sẽ không từ bỏ cổ phần của mình trong dự án Sakhalin-2 vì nó rất cần thiết cho an ninh năng lượng của nước này, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố hôm 31/3.

Mặc dù Nhật Bản, một quốc gia nghèo tài nguyên, đang gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhưng đồng thời Tokyo cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng LNG của Nga rất cần thiết cho an ninh năng lượng của nước này.

"Nhật Bản có cổ phần trong Sakhalin 2, góp phần đảm bảo nguồn cung LNG lâu dài, ổn định với giá cả hợp lý. Đây là một dự án cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản", ông Kishida nói trước Quốc hội.

"Chính sách của chúng tôi không phải là rút lui", Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, đồng thời cho biết Chính phủ của ông sẽ tiếp tục tìm cách giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các nguồn năng lượng của Nga.

Một tàu chở khí đang được nạp đầy từ một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên đảo Sakhalin, Nga. Ảnh: New York Times

Sakhalin-2 đang được triển khai tại đảo Sakhalin của Nga theo một thỏa thuận chia sẻ sản xuất. Sakhalin Energy là nhà điều hành dự án. Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom nắm cổ phần chi phối (50+1).

Các công ty thương mại hàng đầu Nhật Bản Mitsui & Co và Mitsubishi Corp sở hữu lần lượt 12,5% và 10% cổ phần trong dự án. Phần lớn LNG được sản xuất trong dự án chảy sang Nhật Bản.

Sakhalin-2 cũng chính là dự án mà Tập đoàn Shell của Anh đã công bố kế hoạch thoái vốn, Reuters cho biết.

Nga chiếm 4% nhập khẩu dầu thô và 9% nhập khẩu LNG của Nhật Bản. Điều này khiến Moscow trở thành nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho Nhật Bản, đặc biệt là sau sự cố nhiên liệu tại nhà máy điện Fukushima vào năm 2011 khiến việc sử dụng các lò phản ứng hạt nhân giảm mạnh.

Minh Đức (Theo Reuters, TASS)