Tiêu điểm thế giới

Nhật Bản muốn tiếp tục săn bắt cá voi thương mại theo "truyền thống", bất chấp chỉ trích

Phát ngôn viên của Chính phủ Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản đã đồng ý rời khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) mặc dù vấp phải nhiều sự phản đối.

Đánh bắt cá voi là một trong những hoạt động truyền thống ở Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ rút khỏi IWC và sẽ tiếp tục săn bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại trong năm 2019. Thông báo được đưa ra sau khi Nhật Bản thất bại trong việc thuyết phục IWC cho phép đất nước này tiếp tục săn bắt cá voi vì mục đích thương mại hồi đầu năm nay.

Phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản ông Yoshihide Suga cho biết, các cuộc săn bắt vì mục đích thương mại sẽ chỉ giới hạn ở vùng lãnh hải Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ không săn bắt ở vùng biển Nam Cực hay ở bán cầu Nam”, ông nói thêm.

Tokyo đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi IWC và thường xuyên bị chỉ trích vì đánh bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm cho nghiên cứu khoa học, mặc dù đây là một quốc gia đã ký cam kết với lệnh cấm săn bắn động vật.

Ông Suga cho biết, Nhật Bản sẽ chính thức thông báo với IWC về quyết định của mình vào cuối năm nay và sẽ có hiệu lực vào ngày 30/6/2019. Rời khỏi IWC có nghĩa là những người săn bắt cá voi Nhật Bản có thể tiếp tục săn bắt ở vùng biển ven bờ quốc gia và những con cá voi khác hiện đang được IWC bảo vệ.

Việc Nhật Bản cùng với Iceland và Na Uy công khai thách thức lệnh cấm săn bắt cá voi phục vụ thương mại của IWC đã gây ra nhiều chỉ trích quốc tế.

Chính phủ Australia cho biết, họ đã rất thất vọng và đã kêu gọi Nhật Bản xem xét lại việc rút khỏi IWC. “Chúng tôi kiên quyết phản đối tất cả các hình thức thương mại và hành động gọi là “đánh bắt vì mục đích khoa học”, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Melissa Price tuyên bố.

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cũng kêu gọi Nhật Bản ở lại IWC. “Cá voi đã lỗi thời và không cần thiết. Chúng tôi tiếp tục hy vọng Nhật Bản sẽ xem xét lại lập trường của mình và sẽ chấm dứt mọi hoạt động săn bắt cá voi”, ông nói.

Nhật Bản đã săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ và thịt cá voi là nguồn protein chủ yếu đối với quốc gia này trong những năm sau Thế chiến II còn nghèo đói. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây vì phần lớn dân số nói rằng, họ hiếm khi hoặc không bao giờ ăn thịt cá voi.

Đánh bắt cá voi đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi ở Nhật Bản, sự phản đối quốc tế chỉ khiến cho những người bảo thủ tiến sâu trong việc ủng hộ truyền thống đất nước.

Nhiều thành viên của đảng Dân chủ Tự do là những người ủng hộ việc đánh bắt cá voi.

Tokyo lập luận rằng, đánh bắt cá voi là một phần quan trọng trong truyền thống Nhật Bản và việc rút khỏi IWC sẽ cho phép ngư dân “truyền lại văn hóa đất nước cho thế hệ sau”.

Động thái này của Nhật Bản được cho là sẽ không nhận được bất cứ sự nhượng bộ nào từ các quốc gia coi trọng việc bảo vệ cá voi.

Giám đốc điều hành của Greenpeace Nhật Bản Sam Annesley cho biết, quyết định này không phù hợp với cộng đồng quốc tế. Các nhóm hoạt động tuyên bố không chấp nhận hành động của Tokyo. Tổ chức Nhân đạo Quốc tế cũng cho biết, Nhật Bản sẽ trở thành “một quốc gia săn bắt cá voi nằm ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế.”

IWC, được thành lập vào năm 1946 để bảo tồn và quản lý quần thể cá voi và cá kình trên thế giới. Tổ chức này đã đưa ra một lệnh cấm đánh bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại vào năm 1986.

Tokyo từ lâu đã tạo ra một kẽ hở cho phép săn bắt cá voi nhằm nghiên cứu khoa học và nói rằng họ đang cố gắng chứng minh số lượng cá voi đủ lớn để duy trì hoạt động săn bắt phục vụ thương mại.

Các cuộc thám hiểm nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây đã săn được khoảng 330 con cá voi. Vẫn chưa rõ số lượng cá voi sẽ bị đánh bắt sắp tới khi Nhật Bản tiếp tục hành động này phục vụ mục đích thương mại là bao nhiêu.

Kiều Trang