Công nghệ

Nhật Bản muốn tăng gấp 3 doanh thu chip sản xuất nội địa

Mục tiêu tăng doanh thu hàng năm của chip Nhật Bản lên 13 nghìn tỷ Yen được đặt ra nhằm củng cố ngành chip trong nước và bảo đảm an ninh công nghệ - kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ có chính sách mạnh mẽ nhằm giúp các công ty chip bán dẫn Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu, với mục tiêu tăng doanh thu hàng năm lên hơn 13 nghìn tỷ Yen (114 tỷ USD) đến hết năm 2030, lớn gấp 3 lần tổng doanh thu 4,5 nghìn tỷ Yen năm 2020. 

Mục tiêu này đã được trình bày trước một nhóm các chuyên gia trong ngành được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tập hợp tại một cuộc họp nhằm vạch ra chiến lược quốc gia về chất bán dẫn và chuyển đổi số. METI có kế hoạch dùng ý kiến và thông tin thu thập được từ những cuộc họp định kỳ như vậy để quyết toán ngân sách và dự thảo văn bản trình lên phiên họp của Quốc hội vào mùa xuân tới. 

Các quan chức Nhật Bản kỳ vọng quy mô thị trường chip toàn cầu sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2020 và đạt mức 100 nghìn tỷ Yen vào năm 2030, chủ yếu do nhiều công nghệ mới như 5G và xe tự động được sử dụng rộng rãi hơn. Mỗi công nghệ mới như vậy sẽ tăng thêm nhu cầu chip, và việc nguồn cung chip không đáp ứng được nhu cầu kéo dài nhiều tháng qua đã khiến nhiều công ty sản xuất chip chi tiêu mạnh tay nhằm tăng sản lượng. 

Trong tháng 11, TSMC và Sony đã công bố kế hoạch xây một nhà máy chip tại tỉnh Kumamoto của Nhật Bản, với sự ủng hộ của METI. Chính phủ Nhật Bản cũng đã bày tỏ mong muốn có thêm những dự án như vậy; bản thân Bộ trưởng METI Koichi Hagiuda đã nói sẽ làm việc với các doanh nghiệp và nhà cung ứng nguyên liệu trong nước để “phát triển môi trường thông thoáng cho ngành sản xuất chip bán dẫn”. 

Tham gia họp cùng với ông Hagiuda trong buổi họp gần đây nhất có CEO của Softbank Junichi Miyakawa và CEO của Kioxia Nobuo Hayasaka. Cả 2 nhà lãnh đạo này đã nhắc lại sự cần thiết của việc chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ngành chip bán dẫn trong nước để bắt kịp với sức ép cạnh tranh từ nước ngoài. 

Tùng Phong (Theo Bloomberg)