Đối thoại

Nhật Bản mất 3 tháng, Việt Nam mất 2-4 năm cập nhật danh mục thuốc

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm để giải quyết một số bệnh và các trường hợp đặc biệt.

“Không cung ứng được thuốc là lỗi của chúng ta”

Thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 31/10, nêu ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH Tp.HCM) cho rằng, dù nội dung về y tế đã được đề trong Báo cáo của Chính phủ nhưng vẫn còn sơ sài. Đặc biệt là những vấn đề đã đề cập từ các kỳ họp trước.

Theo đó, đại biểu Phong Lan đề nghị Chính phủ bổ sung, cập nhật tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết như thế nào, cập nhật danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Theo đại biểu đoàn Tp.HCM, bên cạnh những thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm đã không được cung ứng đủ cho người dân, thì việc cập nhật danh mục thuốc của Việt Nam để người bệnh kịp thời được sử dụng thành quả mới nhất của nhân loại vẫn còn rất chậm so với các nước.

“Với Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp là 15 tháng, Hàn Quốc là 18 tháng. Nhưng Việt Nam phải trung bình từ 2-4 năm để cho một thuốc mới có thể được cập nhật vào danh mục thuốc BHYT. Như vậy là mất quyền lợi của người dân”, bà Phong Lan nói.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu đoàn Tp.HCM cũng nhắc đến tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra, đồng thời, đặt câu hỏi về trách nhiệm của BHYT trong vấn đề này. Bà Phong Lan khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được thì là lỗi của chúng ta”.

Đại biểu đề nghị có bổ sung về chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm để giải quyết một số bệnh và một số trường hợp đặc biệt. Đặc biệt, giải quyết nguy cơ thiếu vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương.

Đồng thời, bổ sung, làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt, để có thể thể thiện đúng nhất sự quan tâm tới ngành y tế, đồng nghĩa là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khoẻ, quyền lợi và tính mạng của bệnh nhân.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo, phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ: “Hiện nay, có thể thấy các khó khăn không chỉ đến từ yếu tố khách quan như thiếu tiền, thiếu nhân lực mà đôi khi do quy định, thủ tục quá phức tạp, còn “đá” nhau, chậm sửa đổi. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà còn rất cần sự quan tâm của Chính phủ và sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc”.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Vì vậy, đại biểu Xuân đề nghị cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế. Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, Nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.

Bổ sung nhân sự trong lĩnh vực y tế

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế, đạt được cơ bản các mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Ước cả năm 2023, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, 2/4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế được giao theo Nghị quyết 16 đã cơ bản thực hiện vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu số bác sĩ; từ năm 2022 đạt 11,1 bác sĩ/ 10.000 dân đến năm 2023 ước đạt 12 bác sĩ/10.000 dân.

Cho rằng, đây là một trong những kết quả đáng mừng tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc đạt các chỉ tiêu một cách bền vững không hề dễ dàng.

ĐBQH Trần Khánh Thu.

Nhấn mạnh nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, việc các trường mở rộng ngành đào tạo, đặc biệt ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết vì sẽ bổ sung một lượng lớn nhân sự, phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên nếu chúng ta làm không chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì chất lượng đầu ra sẽ có sự khác biệt về năng lực của bác sĩ và sẽ là sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân.

Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần tiếp tục cần hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Nêu rõ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực phục vụ cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để Hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực cán bộ y tế chính thức được thực hiện.

Đồng thời đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa; cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩsau khi tốt nghiệp đại học.