Sức khỏe

Nhật Bản đang làm thế nào để đối mặt với khủng hoảng dân số già?

Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số chưa từng thấy bởi già hóa, tỷ lệ sinh thấp đang là quốc nạn tại Nhật Bản.

Dân số cũng là động lực chính đối với nền kinh tế của một quốc gia. Quy mô dân số tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên, thị trường mở rộng thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải chèo lái một nền kinh tế mà dân số có dấu hiệu sụt giảm trong suốt 1/4 thế kỷ qua.

Với số người lao động ít hơn, nghỉ hưu nhiều hơn, và lãi suất thấp, chính phủ Nhật bản buộc phải gia tăng nợ công để đối phó. 

Năm 2010, dân số Nhật Bản đạt 128 triệu, cao nhất trong lịch sử đất nước này. Những năm sau đó, dân số Nhật giảm dần khoảng 0,4% hàng năm. Dự kiến vào năm 2040, theo đà này, dân số Nhật Bản có khả năng sẽ giảm tới 1% mỗi năm. Đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm khoảng 23% so với hiện nay.

 

Mỗi người dân Nhật phải gánh một khoản nợ dự kiến lên mức 208.000 USD vào năm 2050.

Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, xem xét mức nợ công ở nước này, mỗi người dân ở độ tuổi lao động sẽ phải gánh một khoản nợ khoảng 75.000 USD. Hoa Kỳ cũng có GDP bình quân đầu người cao hơn Nhật Bản.

Các nhà kinh tế học gọi tình hình mà Nhật phải đối mặt giống như "bom hẹn giờ nhân khẩu học" vì nó tạo ra vòng tròn suy thoái kinh tế và sụt giảm dân số.

Bom hẹn giờ nhân khẩu học buộc Nhật phải nghĩ ra cách làm thế nào để vẫn giữ vững vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là một số chiến lược của đất nước mặt trời mọc.

Chính phủ tổ chức các sự kiện hẹn hò siêu tốc

Trong vài năm gần đây, Chính phủ Nhật đã tài trợ cho hàng loạt sự kiện hẹn hò siêu tốc trên toàn quốc. Người dân được khuyến khích tham gia các cuộc gặp này với hy vọng kết hôn và sinh con.

Nếu hai bên còn ngượng ngùng, một Ủy ban xúc tiến hôn nhân sẽ vào cuộc để giúp mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tại Nhật, kiểu môi giới này được gọi là konkatsu hay "săn hôn nhân".

Ghép mặt lên em bé ảo để tạo cảm giác làm cha mẹ

Tại một hội thảo về đồ hoạ máy tính mang tên Siggraph, nhà văn kiêm nghệ sĩ thị giác người Mỹ Marissa Clifford đã thử một trò chơi thực tế ảo tại đây. Tham gia trò chơi, gương mặt của cô được chiếu lên một em bé số.

Ý tưởng ôm một đứa trẻ có hình dáng giống mình sẽ khiến cô có chiều hướng muốn có một đứa con của riêng mình. Clifford có thể cho đứa trẻ ăn và cho vào cũi bằng bộ điều khiển thực tế ảo. Tất cả đều mô phỏng việc làm mẹ, trừ việc đứa trẻ chỉ tồn tại ở địa hạt số.

Trang bị cho lao động cao tuổi bộ xương đặc biệt

Sân bay Haneda ở Tokyo đã phối hợp với Cyberdyne, một công ty robot để trang bị cho các nhân viên của mình bộ khung xương robot có thể hỗ trợ nâng hành lý.

Thiết bị hỗ trợ lao động này được biết đến với tên gọi HAL. Nó được gắn vào eo của người lao động và tiếp nhận tín hiệu điện sinh vật từ các cơ của người này để hỗ trợ chuyển động. Một người nặng khoảng 50kg có thể nhấc một vali nặng 25kg khá nhẹ nhàng.

Bộ khung xương này cùng với robot trên sàn nhà, có thể nhấc khối hàng nặng 181kg và dọn rửa các ga sân bay.

Người già làm bạn, sống cùng người máy

Người máy chăm sóc đang dần tiến vào nhà của những người Nhật cao tuổi.

Khi người máy ngày càng phát triển, các robot này sẽ được đưa vào phục vụ cho nhiều mục đích, gồm cả làm bạn với người cao tuổi, giám sát sức khoẻ và thực hiện các mệnh lệnh của họ.

Theo một báo cáo của Merrill Lynch, số lượng người máy bán ra sẽ tăng đáng kể trong 20 năm tới.

Khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp tham gia lớp học cha mẹ

Ikumen, một công ty đóng tại Osaka đã mở các lớp học mà trong đó nam giới sẽ mặc những bộ đồ nặng nề, thay tã cho búp bê và học cách trở thành cha.

Từ Ikumen xuất phát từ một thuật ngữ được các nhà quảng cáo dùng để mô tả những người đàn ông giữ vai trò chủ động trong nuôi nấng con cái.

Mục đích của khoá học này là làm tăng cảm giác về sự kết nối và trưởng thành ở các sinh viên đã tốt nghiệp, giúp họ có cảm giác là người đàn ông đã trưởng thành.

Trang Dung (Nguồn Business Insider)