Thế giới

Nhật Bản chi 113 tỷ USD hỗ trợ người dân đối phó lạm phát

Chính phủ Nhật Bản chi hơn 17.000 tỷ yen (113 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát tăng, trong đó sẽ bao gồm cắt giảm thuế.

Ngày 2/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17.000 tỷ yen (113 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát tăng, trong đó sẽ bao gồm cắt giảm thuế.

Theo ông Kishida, gói kinh tế này sẽ bao gồm các trợ cấp để hạn chế ảnh hưởng do giá nhiên liệu và các hóa đơn tiện ích gia tăng; các biện pháp cắt giảm tạm thời thuế thu nhập và thuế cư trú.

Để tài trợ một phần của gói chi tiêu này, chính phủ sẽ lập dự toán bổ sung 13.100 tỷ yen cho năm tài chính hiện hành.

Tháng 7 vừa qua đánh dấu tháng thứ 23 lạm phát ở Nhật tăng liên tiếp, cũng như tháng thứ 16 liên tiếp lạm phát cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra.

Theo số liệu công bố vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật trong tháng 5 ghi nhận mức tăng cao nhất trong 42 năm qua, tăng 4,3% so với tháng trước. Tới tháng 6, Nhật Bản ghi nhận lạm phát ở mức 3,3%, lần đầu tiên cao hơn lạm phát của Mỹ trong 8 năm trở lại đây.

Theo hãng tin Reuters, diễn biến lạm phát đang gây áp lực lên tiêu dùng và che mờ triển vọng hồi phục kinh tế của Nhật Bản sau đại dịch.

Cùng với thách thức lạm phát, kinh tế Nhật còn đối mặt với nhiều khó khăn khác khi xuất khẩu yếu và thu nhập của người lao động tiếp tục giảm. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt lại tăng cao. Đây được cho là các nguyên nhân khiến xếp hạng tín nhiệm của Thủ tướng Kishida giảm. Do đó, ông Kishida buộc phải có biện pháp xoa dịu áp lực cho các hộ gia đình.

Trong bối cảnh việc tăng lương diễn ra quá chậm chưa bù đắp được gánh nặng giá tiêu dùng đang tăng mạnh trong những tháng gần đây, ông Kishida đã khẳng định chính phủ sẽ giảm nhẹ áp lực giá cả bằng cách trả lại cho các hộ gia đình khoản tăng từ nguồn thu thuế.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Thanh Niên)