Thế giới

Nhật Bản cân nhắc gói biện pháp bổ sung nhằm ứng phó với “bão giá”

Tình trạng giá cả tăng cao đang tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân Nhật Bản.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 14/8 chỉ thị cho các bộ trưởng trong Nội các đề ra các giải pháp bổ sung nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của tình trạng giá cả leo thang, với mục tiêu là đưa ra một gói hỗ trợ vào tháng 9.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ hướng tới mục tiêu soạn thảo gói biện pháp vào đầu tháng 9, với ngân sách nằm trong khoản 4.700 tỷ yen (35 tỷ USD) trong dự trữ quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, quy mô tổng chi tiêu cho gói trên hiện chưa được công bố.

Thủ tướng Kishida cho biết đã yêu cầu chính phủ tìm cách ngăn chặn đà tăng giá lúa mỳ nhập khẩu được bán cho các nhà bán lẻ từ tháng 10, đồng nghĩa với hỗ trợ cho các hộ gia đình đối phó với tình trạng giá các hàng hóa cơ bản tăng cao.

Tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Kishida cũng cho biết đã chỉ thị Bộ Thương mại đưa ra các kế hoạch bổ sung nhằm ngăn đà tăng của giá nhiên liệu và điện.

Việc Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và thực phẩm khiến nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương khi giá nguyên liệu đầu vào toàn cầu tăng. Xung đột tại Ukraine đã gia tăng sức ép về giá toàn cầu, lúa mì nằm trong số các sản phẩm tăng giá mạnh vì lý do này.

Tại Nhật Bản, chính phủ chịu trách nhiệm nhập khẩu lúa mì và ấn định giá bán cho các nhà bán lẻ vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm. Giá bán của chính phủ đã tăng 17,3% trong thời gian từ tháng 4-10 do giá toàn cầu tăng, dẫn tới việc tăng giá một loạt sản phẩm thiết yếu, trong đó có bánh mì và mì pasta.

Thủ tướng Kishida cho biết nếu giá toàn cầu tiếp tục tăng, giá của chính phủ bán cho các nhà bán lẻ có thể tăng thêm 20% vào tháng 10 tới. Ông cũng đã chỉ thị Bộ Nông nghiệp đảm bảo giá duy trì ở mức hiện nay cho đến hết tháng 10.

Ngoài các tác động do giá cả tăng cao, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ công, khi nợ công của nước nay tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tổng nợ công của Nhật Bản là hơn 1,255 triệu tỷ Yen, như vậy nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản là 10,05 triệu Yen/người, cao nhất từ trước tới nay.

Thời gian qua, Nhật Bản đã phải chi các khoản chi lớn cho an sinh xã hội, cho phòng chống dịch covid 19 và bây giờ là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó với lạm phát, dự kiến Nhật Bản sẽ phải tiếp tục phát hành trái phiếu để có ngân sách thực hiện các khoản chi trên, do đó, nợ công của nước này còn có nguy cơ tăng cao hơn nữa.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)