Kinh tế vĩ mô

Nhập xăng Malaysia có giúp bình ổn giá xăng trong nước?

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, nếu có nguồn nhập khẩu mới với giá phù hợp với Việt Nam thì không có lý do gì không thực hiện khi giá xăng trong nước liên tục lập đỉnh.

Sáng 3/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có những chia sẻ về việc nhập khẩu xăng dầu và đảm bảo nguồn cung, điều hành giá xăng dầu.

Có nguồn ưu đãi thì nên tính đến

Có thông tin Malaysia đang muốn xuất bán sang Việt Nam một lượng xăng dầu khoảng 300.000 lít. Theo ông, đây có phải là cơ hội tốt để tăng nguồn cung giá rẻ?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Việc bình ổn giá xăng dầu phải qua nhiều phương thức như phải tăng nguồn cung cơ bản, giảm thuế phí. Trong số này, giảm thuế phí là biện pháp tức thời cần điều chỉnh nhanh; giảm các phần cấu thành chi phí trong giá bán xăng dầu.

Tuy nhiên, quan trọng là vẫn phải đảm bảo nguồn cung. Nguồn cung xăng dầu hiện có nguồn trong nước từ việc tăng cường khai thác các nhà máy lọc hoá dầu, tăng nguồn cung dữ trữ để có lượng xăng dầu đủ lớn, không bị ảnh hưởng bởi biến động từ bên ngoài. 

Nếu như có các nguồn nhập khẩu mới mà có mức phù hợp với Việt Nam thì không có lý do gì chúng ta không thực hiện điều đó khi giá xăng trong nước lập đỉnh.

Hiện giá xăng của Malaysia là 13.000 đồng/lít, với quá trình nhập về Việt Nam thì Chính phủ Việt Nam sẽ phải trợ giá. Vậy việc trợ giá cho xăng dầu – nguyên liệu hoá thạch truyền thống, theo ông đây có phải là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu trong nước liên tiếp lập đỉnh?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chúng ta có chính sách điều hành giá xăng dầu riêng, không áp dụng rập khuôn theo chính sách các nước. Nếu chúng ta nhập được nguồn xăng dầu giá rẻ thì sẽ hoà chung nguồn này với nguồn xăng dầu trong nước. Chúng ta không thể tách riêng lô hàng được trợ giá với hàng trong nước được, điều này không khả thi, thậm chí gây ra yếu tố bất bình đẳng, trục lợi.

Chính vì vậy, trường hợp chúng ta có nhận được hàng trợ giá, kể cả hàng cho không thì vẫn phải thực hiện việc điều hành chung của quốc gia.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, khi nhập được nguồn xăng dầu giá rẻ có trợ giá thì trong phân phối vẫn phải theo cơ chế điều hành chung (Ảnh: Hoàng Bích).

Việc nhập nhiên liệu trợ giá, nhưng lại là nguyên liệu hoá thạch có phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 không, thưa ông?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 được thực hiện đến năm 2050 và có nhiều lộ trình cho cam kết này.

Hiện Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi nhiều nguồn năng lượng từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo.

Còn với xăng dầu cũng được điều chỉnh với thuế tiêu thụ đặc biệt. Sắc thuế này hiện tính cao hơn với loại xăng có nguồn gốc hoá thạch; xăng sinh học tính thuế thấp hơn. Đây là những động thái để điều tiết hành vi, lựa chọn của người tiêu dùng.

Nếu như người tiêu dùng lựa chọn xăng dầu hoá thạch sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn, còn dùng xăng sinh học thì giá thấp hơn. Đó là chính sách điều hành của Chính phủ và thống nhất cam kết của Thủ tướng.

Ép giá xăng xuống thấp sẽ bị kiện chống bán phá giá?

Trong cuộc trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có nói rằng nếu như ép giá xăng dầu là mặt hàng đầu vào xuống quá thấp thì sẽ gây ra những hệ luỵ cho nền kinh tế, đối diện với những biện pháp về thuế, chống bán phá giá, phòng vệ thương mại với các nước. Ông có suy nghĩ gì về câu trả lời của Bộ trưởng?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Nếu can thiệp bằng những biện pháp hành chính hoặc biện pháp trợ cấp để ép giá xăng dầu xuống thấp, hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng các biện pháp thị trường một cách sòng phẳng để giá xăng dầu xuống thấp thì không có cơ sở nào để các nước kiện chúng ta về vấn đề này.

Chẳng hạn như những cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, chúng ta hoàn toàn có quyền được cắt giảm; hoặc những vấn đề về thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… việc giảm hay không là quyền của chúng ta.

Với mức giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ông cần giảm ở mức nào và trong thời gian bao lâu để đảm bảo đà tăng lạm phát trong nước?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế có vai trò điều tiết hành vi của người tiêu dùng, làm sao để hạn chế dùng những sản phẩm không khuyến khích và chuyển sang dùng những loại được khuyến khích.

Ví dụ, cùng là xăng dầu, nhà điều hành khuyến khích dùng xăng sinh học nhiều hơn là xăng hoá thạch. Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế cần thiết phải được duy trì, nhưng trong hoàn cảnh giá xăng dầu tăng lên quá cao, đẩy các loại hàng hoá khác tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách đột ngột, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát... Cho nên chúng ta buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.

Còn điều chỉnh bao nhiêu cần phải tính toán rất rõ để tranh gây ra các hệ luỵ như vấn đề liên quan đến buôn lậu xăng dầu. Cho nên, tôi cho rằng, giảm là cần thiết, còn mức giảm thế nào thì phải tính toán, đánh giá.

Việc thay đổi giá xăng dầu trên thế giới, không diễn ra từ từ, mà rất khó dự báo, nên thời hạn giảm bao lâu cần thay đổi linh hoạt. Tôi cho rằng, có lẽ cần có cơ chế giao quyền cho Chính phủ trong một khung điều chỉnh nhất định để có thể điều hành xăng dầu một cách chủ động, linh hoạt.

Hiện nay, dự trữ xăng dầu Quốc gia mỏng, không có kho riêng mà trộn lẫn với xăng dầu trong nước, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Dự trữ quốc gia về xăng dầu đúng là rất quan trọng. Việc để kho dự trữ quốc gia riêng, không trộn lẫn kho doanh nghiệp chưa chắc đã tốt vì ảnh hưởng đến yếu tố như chất lượng, hao hụt…

Do đó, phương thức dự trữ xăng dầu quốc gia nằm cùng với dự trữ của doanh nghiệp là phương thức phối hợp tốt, quan trọng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp có tuân thủ hay không, tránh tình trạng trên sổ sách thì có, còn kho thì trống, điều này rất nguy hại. Việc tăng dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng phải xem ngân sách nhà nước có đảm bảo.

Ở những quốc gia kinh doanh xăng dầu có thị trường hoàn toàn thì dự trữ của doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Dự trữ doanh nghiệp ở đây không phải mua xăng dầu về kho mà dự trữ qua hợp đồng mua bán, mua trước bán trước, đấy là biện pháp rất phổ biến. Chúng ta cũng cần phải có khuôn khổ pháp lý cho việc này.

Cảm ơn chia sẻ của đại biểu!

Malaysia có thể bán cho Việt Nam 300.000 lít xăng RON95

Trước đó, tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM (ITPC) tổ chức, ông Trần Việt Thái - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, cho biết Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước.

Theo ông Thái, giá xăng tại Việt Nam đã là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít.

“Sau chuyến thăm của thủ tướng Malaysia sang Việt Nam, hai chính phủ đang đàm phán để xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95, nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai được nhiều”, ông Thái cho hay. 
Ngày 3/6, Bộ Công Thương cho biết đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin báo cáo giải trình rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí..