Sức khỏe

Nhập viện cấp cứu vì tự ý dùng thuốc trị viêm xoang trên mạng

Một người đàn ông ngụ quận 12 có tiền sử bị viêm xoang mãn tính, đái tháo đường, tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng dùng, sau đó phải nhập viện cấp cứu.

Nhập viện cấp cứu vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Ths.Bs Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết, bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị hôn mê, hạ đường huyết nghi do dùng thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng.

Đó là bệnh nhân N.N.Đ, 47 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM. Theo chia sẻ của bệnh nhân, do có tiền sử bị viêm xoang mãn tính, đái tháo đường, nên bệnh nhân tự ý mua thuốc trị viêm xoang trên mạng về uống.

Sau đó vẫn đi làm bình thường, được một lúc bỗng nhiên lên cơn co giật, sùi bọt mép và mất ý thức.

Người nhà đưa bệnh nhân Đ. vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 và điều trị tại khoa Nội tiết.

Tại bệnh viện Nhân dân 115, qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, không có dấu yếu liệt chi. Các cận lâm sàng nổi bật: Đường huyết mao mạch: 90 mg/dL; HbA1c 6.1%...

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán Hạ đường huyết nặng nghi do dùng thuốc không rõ nguồn gốc (có thể chứa các chất gây hạ đường huyết) và được tiếp tục điều trị nội khoa, duy trì Glucose 10%.

Kết quả người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng sau 3 ngày điều trị và được xuất viện.

Bác sĩ Võ Tuấn Khoa, thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Cảnh báo khi mua thuốc

Theo bác sĩ Võ Tuấn Khoa, đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người khỏe mạnh, mà nguyên nhân nhiều khả năng liên quan đến việc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Khoa có một số khuyến cáo quan trọng dành cho người dân: Các thuốc sử dụng trong y khoa nói chung giúp con người khỏe mạnh và sống thọ hơn. Thuốc được chia làm hai loại: Thuốc kê đơn là thuốc do chính bác sĩ có chứng chỉ hành nghề kê và sau đó người bệnh đến nhà thuốc hay cơ sở y tế mua theo đúng đơn này.

Thuốc không kê đơn (gọi là OTC viết tắt từ chữ Over-the-counter) có thể mua tại siêu thị, cửa hàng tiện dụng hay nhà thuốc.

Các thuốc này thường chứa các chất bao gồm vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng bổ sung, thảo dược, thuốc nhuận trường, thuốc cảm cúm và thuốc giảm dịch vị ở dạ dày.

Tất cả các loại thuốc đều có lợi ích và rủi ro cho người sử dụng. Lợi ích có thể bao gồm chữa lành bệnh, giảm đau…Rủi ro có thể ở mức độ nhẹ như chán ăn, khô miệng…và nặng như suy gan cấp, suy thận cấp, thậm chí tử vong.

Trước khi mua thuốc qua mạng, người dân cần tra cứu trang Website của thuốc đó, cùng với số điện thoại.

Nếu cần phải gọi điện thoại xác nhận, yêu cầu gửi thông tin cung cấp giấy tờ đăng ký thuốc, giấy chứng nhận của bộ Y tế Việt Nam về chất lượng thuốc và lưu hành thuốc qua email hoặc qua tin nhắn. Nếu bên bán từ chối hoặc trả lời qua loa thì không nên mua ngay từ đầu.

Khi nhận thuốc lúc giao hàng phải kiểm tra sản phẩm bên ngoài bằng mắt thường, kiểm tra gói hàng có dấu hiệu nghi ngờ khác với thông thường, kiểm tra tem chống giả, nơi in địa chỉ công ty sản xuất, số lô, ngày sản xuất và ngày hết hạn, kiểm tra chữ in có sắc nét, đồng bộ không.  

Bên cạnh đó, có thể kiểm tra nguồn gốc của thuốc bằng cách quét mã QR.