Sự kiện

Nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19: Doanh nghiệp nên phối hợp bộ Y tế

Theo chuyên gia, doanh nghiệp muốn nhập khẩu vắc-xin thì nên phối hợp với bộ Y tế. Chất lượng và nguồn gốc thuốc phải do bộ Y tế khuyến cáo, để đảm bảo chất lượng.

Để tăng cường việc sớm có thêm vắc-xin phòng Covid-19 tiêm chủng cho người dân, bộ Y tế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, địa phương tham gia nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 vào Việt Nam.

Trước vấn đề này, dư luận cũng có một số ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi, vậy nếu trong trường hợp khẩn thiết, doanh nghiệp muốn tự nhập vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho cán bộ nhân viên của đơn vị mình, mà không muốn phối hợp Chính phủ và bộ Y tế thì có được hay không?

Ảnh minh họa.

Chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, GS.TS, Bác sĩ Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV cho biết: “Tôi đồng tình với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn chủ động trong vấn đề mua vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng cho cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp, tập đoàn đó. Đây là quan điểm đúng đắn.

Tuy nhiên, ý thứ hai tôi muốn nói trong vấn đề này là tuyệt đối không được buông lỏng, “thả cửa”. Việc quản lý nguồn vắc-xin, chất lượng vắc-xin phòng Covid-19 đều phải do bộ Y tế làm đầu mối đứng ra quản lý, giám sát”.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng nói thêm: “Nhà nước cho phép doanh nghiệp mua, có thể doanh nghiệp trực tiếp gặp phía nhà sản xuất hoặc gặp đơn vị trung gian có giấy uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất, để thương thảo về giá cả. Thế nhưng, loại thuốc và nhà cung cấp thuốc phải do bộ Y tế khuyến cáo, quản lý về nguồn gốc, để đảm bảo chất lượng”.  

GS.TS, Bác sĩ Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Theo quy định chung của pháp luật Việt Nam hiện nay, các đơn vị Nhà nước muốn nhập hàng hóa thì phải đấu thầu. Hơn nữa, vắc-xin lại là hàng hóa đặc biệt. Vậy nếu trường hợp việc nhập khẩu vắc-xin không đúng quy định thì doanh nghiệp cũng không thể đem ra sử dụng được.

Nói tóm lại, khi Nhà nước đã có quy định như thế nào thì tất cả các doanh nghiệp, đơn vị phải chấp hành. Còn nếu không chấp hành đúng quy định, nhập khẩu hàng hóa mà không “thông qua” Nhà nước thì tức là có dấu hiệu của hành vi buôn lậu. Khi đó doanh nghiệp sẽ bị xem xét xử lý về hành vi vi phạm. Ví dụ như các mặt hàng xăng dầu, vàng… có phải ai cũng nhập khẩu được đâu, phải có sự quản lý, cho phép của Nhà nước, còn nếu “lén lút” nhập thì sẽ bị xử lý về hành vi buôn lậu”.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh.

“Trở lại câu chuyện cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19. Hiện nay, trên thế giới có các nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19, có thể một số doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ mà thương lượng với nhà sản xuất về giá cả và số lượng nhất định. Tuy nhiên, sau khi đàm phán thành công thì doanh nghiệp, tập đoàn đó nên báo cáo Chính phủ, báo cáo bộ Y tế để được hướng dẫn, có cách thức phù hợp đưa số vắc-xin đó về nước hợp pháp, không bị coi là “hàng lậu”.

Tức là Nhà nước cho phép các đầu mối đàm phán, nhưng đàm phán xong phải báo cáo Nhà nước, báo cáo bộ Y tế để nhập về theo quy định, đảm bảo pháp lý. Bên cạnh đó, quá trình đưa vắc-xin về Việt Nam và bảo quản cũng phải theo tiêu chuẩn, chứ nếu bảo quản không tốt sẽ hỏng ngay”, luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.

Vị luật sư cũng nhấn mạnh: “Chất lượng vắc-xin ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người, vì thế các quy định đều rất chặt chẽ. Kể cả doanh nghiệp, tập đoàn nào đó muốn nhập khẩu vắc-xin về tiêm cho cán bộ, công nhân của đơn vị mình thì cũng phải được Chính phủ, cơ quan y tế cho phép.

Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vắc-xin. Vì vậy, khi các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận, đàm phán và nhập khẩu vắc-xin nên tiến hành trực tiếp với nhà sản xuất vắc-xin hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, tránh qua bên thứ 3, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra như nguy cơ mua phải vắc-xin giả hoặc bị lừa đảo, như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol đã cảnh báo”.

 

Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó.

Đồng thời khi vắc xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc xin vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).