Dân sinh

Nhập gỗ quý: Con đường buôn lậu mới?

Sau một thời gian khá im ắng, gần đây nhiều tổ chức/cá nhân lại tìm cách nhập khẩu lậu gỗ quý từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ.

Gỗ nhập về nhưng chủ nhân “bốc hơi”

Mới đây, đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã có thông báo truy tìm chủ lô hàng gồm 60 container gỗ giáng hương Tây Phi, nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP.HCM).

Lý do, sau 2 tháng bị tạm giữ, lô hàng là gỗ giáng hương này vẫn chưa có người nhận.

Hiện, cơ quan hải quan đang tìm kiếm chủ sở hữu lô hàng, đồng thời, mở rộng điều tra trong thời hạn 30 ngày. Nếu không có người đến nhận, toàn bộ số gỗ quý này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lô hàng này được lực lượng chức năng ghi nhận từ ngày 19/8, sau đó, tiến hành kiểm tra thực tế,trong các container này đều chứa gỗ được xẻ thành khúc, với trọng lượng khoảng hơn 1000m3, tổng giá trị ước hơn 20 tỷ đồng.

Số container gỗ trong tổng số 60 container gỗ giáng hương bị bắt giữ tại cảng.

Qua xác minh, số gỗ giáng hương Tây Phi này được nhập từ Nigeria về cảng Cát Lái, do 1 công ty có trụ sở tại tỉnh Bình Dương đứng tên nhận hàng.

Tuy nhiên, sau khi thi hành về đến đến cảng, doanh nghiệp lại từ chối làm thủ tục nhận hàng.

Tương tự, hồi tháng Một vừa qua, một lô hàng gồm 50 container gỗ nhập khẩu về cảng SP-ITC HCM do công ty TNHH Inbe Á Châu (địa chỉ tại: 51 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đứng tên trên lô hàng nhập khẩu.

Theo khai báo hàng hóa, lô hàng là gỗ xẻ hộp, chưa qua chế biến.

Tuy nhiên, có nhiều nghi vấn về lô hàng nêu trên, lực lượng hải quan đã tiến hành khám xét toàn bộ 50 container và phát hiện số gỗ chưa trong đó là những khối gỗ lớn, có nguồn gốc từ châu Phi.

Tiến hành giám định, cơ quan chức năng xác định đây là gỗ giáng hương Tây Phi, nằm trong danh mục CITES, ước tính lô hàng có trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Ngay sau khi phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường của lô hàng, cơ quan hải quan đề nghị doanh nghiệp cung cấp các loại hóa đơn, chứng từ, hồ sơ liên quan để kiểm tra theo quy định thì công ty Inbe Á Châu né tránh, không hợp tác.

Đến nay Công ty đã từ chối nhận hàng và tìm cách chuyển đổi manifest (chỉnh sửa khai) sang tên đơn vị nhận khác là công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu HTL (có địa chỉ tại tầng trệt, số 469 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3, TP.HCM).

Để rõ hơn về công ty Inbe Á Châu, PV đã đến địa chỉ tại 51 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh. Tại đây, là một quán tạp hóa, hoàn toàn không có doanh nghiệp nào tên là công ty Inbe Á Châu.

Trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, công ty này được thành lập vào năm 2010, có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trung Hoà, vẫn đang trong tình trạng hoạt động, có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các cấu kiện kim loại.

Nhận diện những chiêu trò

Trong vai người cần mua gỗ, PV Người Đưa Tin Pháp luật liên lạc đến một số đầu mối tại TP.HCM. Theo đó, PV được hướng dẫn là phải thông qua rất nhiều đầu mối để có thể tiếp cận được nguồn gỗ. Ví dụ tại đầu mối của người tên T. (ở quận Tân Bình) cho biết: “Gỗ giáng hương châu Phi khi đang là một loại rất được ưa chuộng tại Việt Nam, vì nó cứng, chắc và nặng. Đồng thời,vân gỗ có hình dạng rất đẹp mắt, đây là một loại gỗ quý lại có hương thơm nhẹ nhàng”.

“Hiện nay để nhập về Việt Nam thông qua con đường chính gạch (giấy tờ đầy đủ) là hết sức khó khăn, vì thế, các doanh nghiệp thường né bằng cách là khai báo gỗ xẻ hộp - chưa qua chế biến để làm thủ tục hải quan. Gỗ mua trực tiếp tại khu vực khai thác (ở châu Phi) có giá bán từ khoảng từ 500 đến 700 USD/tấn (tương đương khoảng 12 đến 15 triệu đồng). Tuy nhiên, để thuê phương tiện vận chuyển và các chi phí cho việc đưa về Việt Nam là rất lớn”, T. nói thêm.

Để giảm bớt chi phi, T.  thao thao bất tuyệt”: “Vì vậy, phải có cách để giảm thiểu các loại chi phí này. Một trong những cách đó là dùng các doanh nghiệp không có thật hoặc sai địa chỉ đăng ký… (ma) hoặc thành lập mới doanh nghiệp để có thể nhập khẩu dễ dàng. Vì doanh nghiệp mới thường có lý lịch sạch, nếu có vấn đề thì có thể xóa luôn doanh nghiệp đó, chỉ tốn vài ba triệu đồng để thành lập doanh nghiệp mới để làm các chiêu trò gian lận”.

Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, gỗ bạch dương cũng được “săn” nhiều. Mới đây,Tổng Cục Hải quan cũng đã có thông tin cảnh báo về việc cung cấp gỗ nguyên liệu bất hợp pháp từ Nga và Ucraina, chủ yếu nhập khẩu qua Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan đơn vị của hải quan phải tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm rõ diễn biến tình hình về hoạt động xuất nhập khẩu gỗ nguyên liệu (chủ yếu là bạch dương) từ các thị trường Nga, Ucraina và Trung Quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận nguồn gốc nguyên liệu gỗ nhập khẩu.

Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nam (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Gỗ giáng hương được xếp trong danh mục các loài động vật - thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.Các loại gỗ này đều phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Do đó, “để nhập khẩu gỗ giáng hương nói riêng và các loại gỗ quý nói chung, đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành ở nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Nếu như không có các loại giấy tờ này coi đó là hành vi buôn lậu hàng cấm và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tùy theo hành vi mức độ,tính chất của vụ việc”, luật sư Nam nói thêm.

Một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết:

“Thời gian gần đây, lực lượng hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc nhập nhập gỗ trái phép ngay tại cảng. Để thực hiện việc này, các doanh nghiệp thường khai báo sai tên hàng hóa để qua mặt lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, các tổ chức cá nhân thực hiện việc nhập lô hàng thường tiến hành thực hiện đi vòng qua nhiều quốc gia, nhằm che giấu xuất xứ của hàng hóa. Cách thức này cũng nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng trong kiểm soát tại cảng”.

C.T.