Góc nhìn luật gia

Nhập cảnh trái phép: Cần khắc phục “lỗ hổng” trong công tác quản lý

Chuyên gia cho rằng, đối với hành vi nhập cảnh trái phép, cần làm rõ động cơ, mục đích và xử lý thật nghiêm mọi trường hợp.

Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng vừa khởi tố 4 Giám đốc doanh nghiệp về hành vi tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép dưới mác “chuyên gia”.

Trước đó, lực lượng chức năng các địa phương cũng đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Thậm chí có những trường hợp đã vào Việt Nam hàng chục ngày, thuê căn hộ cao cấp để ở theo nhóm, sau đó mới bị phát giác…

Dư luận cho rằng, hành vi nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, cần phải xử lý thật nghiêm. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại các quy định, khắc phục “lỗ hổng” trong công tác quản lý, nhằm đảm bảo tốt hơn công tác phòng, chống dịch.

Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) để ghi nhận quan điểm.

Cần bịt “lỗ hổng” trong công tác quản lý

PV: Thưa luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề nhập cảnh trái phép diễn ra trong thời gian vừa qua?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Điển hình như vụ việc 4 cá nhân ở Đà Nẵng đã lợi dụng danh nghĩa là giám đốc doanh nghiệp, bất chấp việc doanh nghiệp của mình không có nhu cầu cần chuyên gia nước ngoài nhưng vẫn đứng ra bảo lãnh cho một số công dân nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dưới mác “chuyên gia”. Hành vi này xuất phát từ việc hám lời, hoa mắt bởi những đồng tiền bất chính, mặc kệ cho nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng có thể xảy ra. Điều này rất đáng lên án!

Hoặc cũng có nhiều trường hợp khác vượt biên trái phép, vào sâu trong nội địa, di chuyển qua nhiều tỉnh, thành, thậm chí thuê nhà ở giữa khu dân cư… Nhiều trường hợp đã bị phát hiện, xử lý. Một số đối tượng liên quan đã bị khởi tố, đưa ra xét xử rất nhanh. Tuy nhiên, tình trạng người nhập cảnh trái phép vẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cơ quan tố tụng đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Trần Thanh Sơn - một trong 4 Giám đốc doanh nghiệp có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.

PV: Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Thứ nhất, do nhận thức về pháp luật của một số người dân còn yếu kém. Thứ hai là có một số người mặc dù biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn đứng ra tổ chức, môi giới, tiếp tay cho người khác nhập cảnh trái phép vì hám lợi bất chính.

Thứ ba, có vẻ như hình phạt chưa thực sự được nghiêm khắc nên một số đối tượng vẫn làm liều, chưa biết sợ.

Những hành vi như vậy làm ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ, của Nhà nước, của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

Tôi cho rằng, qua các vụ phát hiện người nhập cảnh trái phép thời gian vừa qua cho thấy, vẫn còn “lỗ hổng” trong công tác quản lý.

PV: Luật sư có thể nói rõ hơn về điều này?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Rõ ràng là người ta vẫn nhập cảnh trái phép được, vẫn vận chuyển người từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc hoặc đi các nơi. Đây là một phần “lỗ hổng” trong công tác an ninh.

Trước hết, với những trường hợp nhập cảnh trái phép trốn khai báo y tế thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra. Thứ hai, giả sử một số người nước ngoài vào Việt Nam không chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế mà vì các mục đích khác thì còn nguy hại hơn. Vì vậy, cần phải ngăn chặn quyết liệt hơn nữa, tăng mức phạt lên.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian vừa qua nhưng cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa, bịt các “lỗ hổng” này. 

Luật sư Bùi Đình Ứng.

PV: Có ý kiến cho rằng, qua một số vụ việc cả nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép rồi thuê căn hộ cao cấp để ở, sau thời gian dài mới bị phát hiện, cho thấy vẫn còn “lỗ hổng” quản lý tạm trú. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Rõ ràng là trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở, quản lý về cư trú chưa được tốt, cần phải siết chặt hơn, nhất là quản lý tạm trú trên địa bàn khu chung cư.

Thứ hai là để hàng chục người nước ngoài thuê căn hộ ở một thời gian khá lâu mới bị phát hiện thì chắc chắn phải có đối tượng tiếp tay, bao che, hoặc là chính chủ nhà vì hám lời mà tiếp tay cho các đối tượng lưu trú bất hợp pháp.

Phải làm rõ trách nhiệm, động cơ, mục đích của từng cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.

Không gì có thể qua mắt người dân

PV: Vậy, cần có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng nhập cảnh trái phép?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Trước hết, nếu phát hiện vụ việc nào thì phải xử lý thật nghiêm, nhanh chóng đưa ra xét xử theo kiểu “án gọn”, thậm chí xử điểm để nhằm răn đe, giáo dục.

Thứ hai, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là trên các tuyến biên giới.

Thứ ba, không có gì có thể qua mắt được nhân dân, cho nên cần phát động phong trào quần chúng tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công khai số điện thoại nóng, hòm thư để người dân kịp thời tố giác các hành vi vi phạm. Và có phần thưởng xứng đáng cho người cung cấp thông tin về tội phạm liên quan đến lĩnh vực nhập cảnh trái phép.

Một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam đã bị phát hiện, xử lý.

“Cuộc chiến” chống Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, không thể “một sớm, một chiều” mà xong được, vì thế, vẫn rất cần tiến hành tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, có vấn đề ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Đối với đồng bào muốn về nước thì phải về theo đường chính ngạch, phải cách ly tập trung theo quy định để bảo đảm an toàn chung cho cả nước. Còn nếu trường hợp nào cố tình nhập cảnh “chui”, không khai báo y tế thì sẽ xử lý nghiêm. Thậm chí, nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh thì còn có thể bị truy tố.

Đối với các nhà xe có hành vi thông đồng, chở người nhập cảnh trái phép thì cũng có thể bị xử lý hình sự. Tất cả các giải pháp trên nhằm hạn chế tối đa người nhập cảnh trái phép (kể cả người Việt Nam hay người nước ngoài). Việc nhập cảnh trái phép không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19, mà còn có thể ảnh hưởng đến công tác an ninh nói chung. 

PV: Theo quy định, đối với hành vi tổ chức cho người khác xuất - nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Với hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép thì tùy vào từng mức độ, hậu quả xảy ra, người có hành vi vi phạm có thể phải chịu xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, thì mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên tới 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)