Đời sống

Nhẫn vàng nạm đá quý có hình khắc đặc biệt trong xác tàu đắm 1.700 năm

Chiếc nhẫn vàng nạm đá quý khắc biểu tượng Cơ đốc giáo được tìm thấy trong một con tàu đắm của người La Mã cùng với những đồng xu và các đồ tạo tác khác.

Ngày 22/12, Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) ra thông báo, họ đã trục vớt các cổ vật từ hai xác tàu niên đại 1.700 năm và 600 năm, thuộc thời kỳ La Mã và Mamluk, tại bến cảng Caesarea cổ đại. Đế chế La Mã và Vương quốc Hồi giáo Mamluk từng cai trị những vùng đất rộng lớn phía Đông Địa Trung Hải trong vài thế kỷ.

Xác hai con tàu được phát hiện trong một cuộc khảo sát dưới biển do Đơn vị Khảo cổ Biển (MAU) thuộc IAA tổ chức 2 tháng qua. Ông Jacob Sharvit, người đứng đầu MAU, cho rằng con tàu La Mã có thể xuất phát từ Ý.

Phát hiện mới giúp hé lộ câu chuyện về hai con tàu đắm ở hai thời kỳ khác nhau, có vẻ như trong khi thủy thủ đoàn cố gắng lái chúng vào bến. Hai con tàu có thể đã đậu gần đó và bị một cơn bão đánh chìm. Có khả năng chúng thả neo ngoài khơi do gặp rắc rối hoặc lo sợ thời tiết giông bão vì các thủy thủ biết rõ neo tàu ở vùng nước nông và thoáng ngoài cảng rất nguy hiểm và dễ chịu thiên tai.

Chiếc nhẫn vàng niên đại 1.700 năm trưng bày cùng những đồng tiền cổ.

Trong số cổ vật trục vớt được, đáng chú ý là chiếc nhẫn vàng niên đại 1.700 năm. Nó nạm một viên đá quý xanh ở giữa, bên trên chạm khắc hình "Người chăn cừu tốt bụng", thể hiện hình dạng của một cậu bé chăn cừu đang cõng một con cừu trên vai. Mô-típ được cho là có liên quan đến Chúa Jesus được lưu truyền vào thời La Mã, trước khi các tổ chức Cơ đốc giáo bắt đầu xuất hiện.

Khoảng 1.700 năm trước, tôn giáo này vẫn đang được thực hành trong các hội nhóm "ngầm". Tuy nhiên, đế quốc La Mã tương đối thoáng với các hình thức thờ cúng mới, bao gồm cả những gì liên quan đến Chúa Jesus. Vì vậy, việc một công dân La Mã giàu có đeo chiếc nhẫn như vậy không có gì khó hiểu. Theo nhóm nghiên cứu, món trang sức độc đáo có thể thuộc về một phụ nữ vì nó khá nhỏ.

Ngoài chiếc nhẫn, các nhà khảo cổ còn thu được từ con tàu đắm hàng trăm đồng xu bằng bạc và đồng La Mã, hơn 500 đồng xu bạc từ thời kỳ Trung cổ của Vương quốc Hồi giáo Mamluk.

Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện ra các bức tượng nhỏ, chuông, đồ gốm sứ và các đồ tạo tác kim loại từng thuộc về tàu thủy, bao gồm cả đinh và một mỏ neo sắt vỡ vụn. Người đứng đầu MAU, ông Jacob Sharvit, cho biết vẫn chưa rõ liệu có còn bất kỳ tàn tích nào của những con tàu gỗ còn nguyên vẹn bên dưới bãi cát hay không.

Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Người Lao Động)