An ninh - Hình sự

Nhận được “Lệnh bắt tạm giam” qua mạng, nạn nhân tá hỏa nộp gần 250 triệu

Mặc dù chỉ đọc “Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam” trên một trang web, nhưng do hoảng sợ nên khi được yêu cầu anh N.T.A. đã chuyển 245 triệu đồng vào tài khoản, rồi mới hay đã bị lừa.

Mất gần 250 triệu sau một cú điện thoại

Ngày 29/9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đang tiến hành điều tra vụ lừa đảo theo nội dung kêu cứu của anh N.T.A. trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Trong lá đơn trình báo, ngày 20/9, anh T.A. nhận được cuộc gọi của một người lạ tự xưng là cán bộ Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Người này thông báo nhận được đơn khởi kiện của Viettel về việc anh T.A. có đăng ký số điện thoại và nợ bên Viettel 14.340.000 đồng.

Quyết định tạm giữ giả mạo để lừa người dân.

Sau đó người này nói phía Tòa án đã chuyển sang cho bên Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh giải quyết. Người này tiếp tục nối máy cho một người khác xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh và hỏi thông tin cá nhân của anh như CMND, địa chỉ… để kiểm tra, xác nhận có liên quan đến vụ án nào nữa hay không.

Lúc này, người này cho hay, anh T.A. có liên quan đến vụ rửa tiền và mua bán trái phép chất ma túy do Giám đốc một ngân hàng cầm đầu và đã bị bắt. Tiếp đó, người này nối máy cho một phụ nữ tự xưng là Đại tá Trần Thu Vân. Vị Đại tá yêu cầu anh T.A. không được tiết lộ chuyện này ra ngoài, đồng thời gửi cho anh T.A. địa chỉ website và cấp cho anh T.A. mã số 686113 để đăng nhập.

Các đối tượng còn lập các tài khoản mạo danh cơ quan Công an.

Khi anh T.A. đăng nhập vào trang web nói trên thì thấy Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam của Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội và Quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ tài sản phục vụ điều tra viên. Các quyết định này đều có tên anh T.A.

Lo sợ không hiểu chuyện gì xảy ra nên khi các đối tượng yêu cầu chuyển toàn bộ tiền mặt trong tài khoản ngân hàng đang sử dụng, anh T.A. đã chuyển số tiền 245 triệu đồng vào tài khoản mang tên Dương Đức Trung tại ngân hàng Sacombank.

Sau khi chuyển tiền, anh T.A. chờ liên lạc của các đối tượng như đã hẹn nhưng không thấy chúng gọi lại, chỉ đến khi gọi lại các số thuê bao này nhưng không được anh mới tá hỏa mình bị lừa.

Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là thủ đoạn lừa đảo mới của bọn tội phạm. Cơ quan công an khi muốn mời làm việc và triệu tập ai đó thì sẽ có đại diện cơ quan điều tra (điều tra viên, cán bộ điều tra) cùng Công an địa phương đến gửi giấy chứ không có việc gửi giấy qua mạng xã hội hoặc đường bưu điện.

Nhiều hình thức lừa đảo qua điện thoại với nội dung khác nhau.

Trước đó, tại Nghệ An cũng đã ghi nhận một số vụ lừa đảo qua điện thoại, các đối tượng tự xưng là cơ quan Công an, Viện kiểm sát... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Nhiều nạn nhân đã bị chiếm đoạt từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Sau một thời gian tạm lắng, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại lại rộ lên với nhiều chiêu thức, nội dung khác nhau để giăng bẫy người bị hại.

Qua sự việc này, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An cũng phát thông báo cảnh báo, khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với các số điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, tuyệt đối không làm theo yêu cầu, hướng dẫn của các đối tượng này.

Thực chất đây là những văn bản, giấy tờ giả mà các đối tượng đã lập ra dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những trường hợp nhận được những văn bản như trên thì hãy đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo và cung cấp những văn bản đó cho cơ quan Công an.