Kinh tế vĩ mô

Nhận diện thách thức “níu chân” nông nghiệp Việt trên con đường chuyển đổi số

Chuyển đổi số nông nghiệp là xu hướng tất yếu, tuy nhiên sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ 4.0 chưa phổ biến.

Chuyển đề "Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp" nằm trong chuỗi sự kiện trực tuyến "Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam DX Summi 2021" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của nhiều đại diện, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại tọa đàm trực tuyến, ông Đặng Duy Hiển - Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT), Tổ phó Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT cho biết, chuyển đổi số (CĐS) những năm gần đây mang lại kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số được xác định là sự phát triển nhanh, bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực số, góp phần tạo năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. 

CĐS nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, khách quan

"CĐS là bước đi khách quan, có lộ trình, thích hợp, góp phần phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành chuyển đổi số quốc gia" - ông nói.

Ông Đặng Duy Hiển cho biết nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên để CĐS. "CĐS ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, trở thành thước đo mức độ bền vững quốc gia" - ông Hiển cho hay.

Ông Đặng Duy Hiển tại buổi chuyên đề trực tuyến ngày 2/12. 

Ông nói: "CĐS trong ngành nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân". Theo ông, đây là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại, tăng tỉ trọng của nông nghiệp sản xuất trong chế biến.  

Ông đánh giá, kể từ giai đoạn năm 2016-2020, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Đây là là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, thông minh.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, CĐS nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế. Ông cho biết sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, chưa hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp chưa phổ biến. 

Tại tọa đàm trực tuyến, PGS TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày một số thực trạng ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 thách thức để phát triển bền vững, gồm: biến đổi khí hậu; biến đổi thị trường trong, ngoài nước; dịch bệnh.

Ông Đào Thế Anh cho biết công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất và các tiêu chí về nông nghiệp.

Đặc biệt, về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp, ông cũng đưa ra một số thách thức, khó khăn. Theo PGS TS. Đào Thế Anh, cơ sở hạ tầng ở nông thôn (vốn là nơi phát triển nông nghiệp mạnh nhất) còn thiếu trong khi đầu tư công còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của người dân còn hạn chế; các mô hình quản trị minh bạch trong các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm chưa phổ biến. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn tản mạn, chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ. 

"Khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh hạn chế, các công ty vừa và nhỏ thường sử dụng các giải pháp riêng lẻ, không kết nối với nhau. Giá trị đầu tư cho nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn bộ phận không đủ điều kiện để đầu tư trong khi tiếp cận tín dụng với người nông dân còn khó khăn" - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay. 

Ông Đào Thế Anh cũng nhấn mạnh, công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất và các tiêu chí về nông nghiệp. 

"Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh"

Trước những thách thức, khó khăn đặt ra với vấn đề CĐS trong nông nghiệp, ông Đặng Duy Hiển cho rằng, thời gian tới cần thúc đẩy công nghệ số trong nông nghiệp toàn diện hơn nữa nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành. "CĐS trong nông nghiệp cũng góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững nhằm xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh" - ông Hiển nói. 

Ông Hiển cho hay, hệ thống nông nghiệp cần tập trung vào 5 nội dung để có thể CĐS. Thứ nhất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, chính xác, tăng tỉ trọng của nền nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thứ hai, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, đặc biệt tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất để phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Thứ tư, ứng dụng cong nghệ số để tự động hoá các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, vùng nuôi, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, an toàn thực phẩm và an toàn trong dịch bệnh.

Cuối cùng, ông Hiển cho rằng nên xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", với mục tiêu mỗi người nông dân đều được đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp phân phối dự báo nông sản đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

PGS TS. Đào Thế Anh cũng kiến nghị thêm một số giải pháp thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp. Ông cho biết các Bộ, ngành cần xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách, lộ trình chuyển đổi số ở các cấp. Ngoài ra, cần tăng cường liên ngành hợp tác nông nghiệp và công nghệ thông tin. "Nhà nước có thể thiết kế các nền tảng số nông nghiệp và thông tin, xây dựng các dịch vụ cơ sở dữ liệu cung cấp dịch vụ công, số hóa và các quy trình quản trị tiên tiến" - PGS TS. Đào Thế Anh nói.

Ông Đào Thế Anh cho rằng các Bộ, ngành cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, hợp tác thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp. 

Ngoài ra, theo ông Đào Thế Anh, các doanh nghiệp nên nghiên cứu và phổ biến các sáng kiến chuyển đổi số sáng tạo, phục vụ nông nghiệp chuyển đổi sinh thái, thông minh. Chuyển đổi số phục vụ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm sinh thái nông nghiệp sinh thái minh bạch, bền vững.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh các Bộ, ngành cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, hợp tác thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp. 

Cũng tại Chuyên đề trực tuyến, ông Hoàng Thắng - Giám Đốc Sản phẩm Nông nghiệp Thông minh, Tập đoàn VNPT cũng có mặt để giới thiệu giải pháp công nghệ để hỗ trợ ngành nông nghiệp VNPT vFarm - Hệ thống quản lý các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi cung ứng trong nông nghiệp từ khi sản phẩm bắt đầu hình thành cho tới khi vào tay người tiêu dùng, tuân thủ theo các tiêu chuẩn được đề ra. 

Hệ thống cũng cho phép thiết lập và giám sát quy trình sản xuất nông sản, có thể thiết lập theo các quy trình như VIETGAP, Global Gap.