Tài chính - Ngân hàng

[Câu chuyện của Tiền] Nhận diện rủi ro thị trường chứng khoán nhìn từ đà tăng nóng năm 2021

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm phát triển mạnh mẽ. Đây là tiền đề để phát triển cho năm 2022, tuy nhiên cần lưu ý nhiều rủi ro.

Thị trường chứng khoán năm vừa rồi đã phát triển mạnh khi tăng gần 395 điểm trong năm 2021 và vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng 1/2022. Trước khi phiên giao dịch đầu tiên (7/2) năm Nhâm Dần diễn ra, các chuyên gia cùng nhìn lại để đánh giá cơ hội phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Một năm phát triển mạnh mẽ

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thăng hoa trong năm 2021 và đầu năm nhưng cũng không kém phần dữ dội với những phiên giảm điểm biên độ lớn. Ngày 28/1/2021, thị trường chứng kiến một phiên giảm điểm kỷ lục khi VN-Index mất 73,23 điểm - mức kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường vẫn trong xu hướng đi lên lập đỉnh lịch sử. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, chỉ số VN-Index dừng tại mức 1.498,28 điểm. Đây cũng là phiên ghi nhận chỉ số đứng ở mức cao thứ nhì, chỉ sau phiên lập đỉnh lịch sử ngày 25/11. Thị trường đã tăng gần 36% trong năm vừa qua, điều giúp nhiều nhà đầu tư thắng lợi và giúp chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong đại dịch. Ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2022, chứng khoán tiếp tục chinh phục đỉnh mới sau đó mới điều chỉnh xuống mức 1.478,96 điểm để kết thúc năm Tân Sửu. 

Diễn biến VN-Indiex trong phiên giao dịch cuối cùng năm Tân Sửu. (Ảnh: Tradingview)

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường chứng khoán đã có một năm phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, chứng khoán giao dịch trung bình đạt 26.526 tỷ đồng/phiên (tương đương 1,17 tỷ USD/phiên), tăng 257,5% so với bình quân năm trước.

Năm 2021 cũng là năm thị trường chứng khoán ghi nhận những kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" khi liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới và có được nhiều điểm nổi bật.

Tính đến ngày 31/12, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ giảm 1,8% với giá trị đạt 318.213 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,92 năm (dài nhất từ trước đến nay), trong khi lãi suất phát hành bình quân đạt 2,3%/năm (thấp nhất từ trước đến nay và thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1-2 năm của hệ thống ngân hàng thương mại (5,4-6,8%).

Có thể nói, thị trường chứng khoán năm 2021 là kênh đầu tư được công chúng đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Chỉ riêng đầu tháng 1/2022 gần 2 tỷ cổ phiếu "đổ bộ" sàn HoSE. Các cổ phiếu gồm gồm: PGV (1,2 tỷ cổ phiếu); EVF (304,7 triệu cổ phiếu); HHV (267 triệu cổ phiếu); GMH (16,5 triệu cổ phiếu)... Những con số này đều cho thấy thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn có đà phát triển mạnh, tiếp nối những kết quả đạt được năm 2021.

Vẫn còn nhiều rủi ro

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển nhưng vẫn cần chú ý đến nhiều rủi ro.

Thứ nhất, theo ông Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán đang tăng "nóng". Năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng âm 3,1% nhưng nhờ dòng vốn rẻ cùng một số nguyên nhân khác, chỉ số chứng khoán thế giới vẫn tăng khoảng 14%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế phục hồi, chỉ số chứng khoán thế giới tăng khoảng 20%.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển nhưng vẫn còn nhiều rủi ro.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 15% trong năm 2020, sang đến năm 2021 tăng tới 36%, dù GDP năm vừa rồi chỉ tăng 2,58%. "Nhìn sang Philippines, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 5% trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương Việt Nam, nhưng chỉ số chứng khoán nước này chỉ tăng vỏn vẹn 2%" - ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng thị trường chứng khoán là có hiện tượng một số doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất nhanh, phát hành cổ phiếu, trái phiếu rất thành công. Theo ông Lực, đây là điểm bất thường cần lưu ý.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tiềm ẩn sự thiếu bền vững khi chỉ số VN-Index tăng trưởng chủ yếu nhờ 6 nhóm ngành: ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. "Riêng 6 nhóm ngành này đã chiếm khoảng 77% vốn hóa toàn thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực này có vấn đề thì thị trường cũng sẽ khó khăn" - ông Lực cảnh báo.

Thị trường vẫn cần "quá trình test"

Nhận định về cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán năm 2022, TS. Phan Phương Nam - Phó khoa Luật Thương mại, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh - cho rằng thị trường chứng khoán vẫn cần "quá trình test".

TS. Phan Phương Nam cho rằng có lượng lớn nhà đầu tư F0 thời gian dịch không phải đi làm do giãn cách nên đã đầu tư vào thị trường chứng khoán. "Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát và người dân quen với việc sống chung với dịch, các nhà đầu tư này có thể rút tiền và chuyển vào các kênh đầu tư an toàn hơn. Năm vừa rồi thị trường chứng khoán phát triển mạnh, tuy nhiên có sự phân hóa, không phải ai cũng ăn lãi lớn" - ông nói.

Bên cạnh đó, thị trường cũng trải qua nhiều phiên "rung lắc", giảm điểm mạnh. Trong đó, năm vừa rồi ghi nhận phiên giảm kỷ lục lên tới 73 điểm hồi đầu năm.

Theo ông Phan Phương Nam, thị trường năm tới muốn tăng trưởng mạnh cần có thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. "Tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp phát triển, kinh doanh tốt. Các tổ chức tín dụng cũng cần công bố các gói hỗ trợ một cách rõ ràng, không chỉ công bố hỗ trợ bao nhiêu mà phải chi tiết, có sự phân chia giữa các ngành cách thức giải ngân" - ông cho hay.

Theo ông, nếu việc triển khai hỗ trợ tắc nghẽn, doanh nghiệp không tiếp cận được sẽ không thể sản xuất, kinh doanh. "Nhà đầu tư đánh sẽ không đánh giá cao và mua chứng khoán khi doanh nghiệp làm ăn không tốt" - ông nói.

Ngoài ra, ông Nam cho rằng Nhà nước cần mạnh tay với hoạt động đầu cơ chứng khoán, việc nhiều cổ phiếu bị đẩy giá, làm giá trong năm qua khiến nhiều nhà đầu tư F0 lầm tưởng về tương lai của cổ phiếu. "Họ mua khi cổ phiếu tăng cao và đã có nhiều người mất hết" - ông nhấn mạnh.

Ông Nam cũng lưu ý về mức độ ảnh hưởng của biến thể mới đến thị trường. "Nếu không kiểm soát tốt, chuỗi cung ứng có thể đứt gãy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam" - ông nói.

Kinh tế vĩ mô gắn với thị trường chứng khoán

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - dự báo một vài năm tới, chứng khoán vấn là kênh hấp dẫn bởi dự báo đều cho rằng quá trình phục hồi vẫn khá tích cực dù tốc độ tăng trưởng năm sau có thể thấp hơn năm 2021. Ông Võ Trí Thành lưu ý cần cẩn trọng với vấn đề quản trị rủi ro và chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô bởi kinh tế vĩ mô tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán.

Ông Võ Trí Thành dự báo một vài năm tới, chứng khoán vấn là kênh hấp dẫn bởi dự báo đều cho rằng quá trình phục hồi vẫn khá tích cực dù tốc độ tăng trưởng năm sau có thể thấp hơn năm 2021.

Ông Võ Trí Thành cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới câu chuyện phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. 

Thứ nhất là yếu tố về chống dịch, khống chế dịch và sống chung với dịch. "Với tất cả năng lực của công nghệ và trí tuệ của nhân loại, vẫn chưa có một dự báo nào dự báo được tình hình dịch bệnh sẽ đi tới đâu một cách chính xác, nó vẫn còn đó những rủi ro dù chúng ta đã có vắc-xin, thuốc đặc trị" - ông nói. 

Thứ hai, ông Thành nhấn mạnh việc bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới đối với mỗi nền kinh tế. "Cho đến nay, hầu như tất cả các dự báo tăng trưởng của thế giới có thể chậm lại, thế nhưng đà phục hồi vẫn rất cụ thể và rõ ràng, mặc dù không cân xứng và đồng đều giữa các quốc gia, khu vực, hay giữa các ngành, các lĩnh vực với nhau nhưng tổng thể vẫn là một con số tăng trưởng tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh" - ông nói.

Thứ ba, ông Võ Trí Thành cho biết sự hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước sẽ tác động mạnh đến thị trường. 

Thứ tư là việc bắt nhịp với các xu thế phát triển đã được định hình rõ nét trong những năm gần đây và đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19. Ông Võ Trí Thành cho rằng cần quan tâm đến những lợi thế, thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… để tìm ra cách thức đầu tư, huy động vốn

Xem thêm: 

[Câu chuyện của tiền] Năm 2022, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

[Câu chuyện của tiền] Không lo “sốt đất”

[Câu chuyện của tiền] Cẩn thận tình trạng "say sóng ngành" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Doanh nghiệp BĐS công nghiệp bước vào “cuộc chiến” giành thị phần

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[E] “Chàng ngốc già” Nguyễn Đình Trí và câu chuyện về quản lý tài chính cá nhân