Cuộc sống số

Nhậm Chính Phi - nhân vật có thể là nguyên nhân khiến Huawei bị tẩy chay trên thế giới

Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei từng là kỹ sư thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, điều khiến người Mỹ nghi ngờ công ty này có quan hệ với Chính phủ Bắc Kinh.

Huawei làm gì?

Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, là hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung, theo IDC. Trong khi nổi tiếng ở Trung Quốc với các thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm máy tính xách tay, máy tính bảng và TV - ở trên phương diện toàn cầu, Huawei nổi bật là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông.

Mối lo gián điệp

Trở lại năm 2012, các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu tiến hành ngăn chặn các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước mua thiết bị từ Huawei và ZTE . Chính phủ Mỹ lo ngại về mối quan hệ của Huawei với chính phủ Trung Quốc và lo lắng rằng thiết bị từ cả hai công ty này có thể là mối đe dọa an ninh quốc gia nếu nó được triển khai trên toàn nước Mỹ.

Theo CNBC, điều này cũng xuất phát từ mối quan hệ giữa người sáng lập của Huawei và quân đội Trung Quốc. Người sáng lập Huawei, tỷ phú Nhậm Chính Phi từng là kỹ sư trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi ông rời quân ngũ vào năm 1983 và bắt đầu lập nên Huawei bốn năm sau đó. Tuy nhiên, Huawei đã luôn phủ nhận rằng công ty cung cấp giải pháp cho chính quyền thực hiện hành vi gián điệp trên toàn thế giới.

Gần đây nhất, AT & T đã từ bỏ kế hoạch tung ra mẫu điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei tại Mỹ vào tháng Giêng. Thông tin này được báo cáo tại thời điểm ủy ban tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ nêu lên những lo ngại về quan hệ đối tác giữa nhà mạng Mỹ và công ty Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người sáng lập Huawei - tỷ phú Nhậm Chính Phi.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất lo lắng về nguy cơ Huawei sử dụng phần cứng để thực hiện hành vi theo dõi các Chính phủ nước ngoài. Australia đã cấm các nhà mạng không dây trong nước sử dụng thiết bị Huawei đối với công nghệ 5G mới. Giám đốc tình báo của Anh cũng nêu lên những lo ngại về Huawei hồi đầu tuần này.

Đầu năm nay, hàng loạt các cơ quan an ninh nước Mỹ như FBI, CIA và NSA đã cảnh báo người tiêu dùng tránh mua điện thoại do Huawei sản xuất, bao gồm cả thương hiệu phụ "Honor" được bán ra thông qua các nhà bán lẻ như Best Buy và Amazon.

Trừng phạt

Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE đã bị cáo buộc trong những năm gần đây về việc tiếp tục cung cấp sản phẩm tới Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia này.

Mới đây nhất, giám đốc tài chính của Huawei là Meng Wanzhou đã bị bắt vì cáo buộc liên quan đến hành vi cố tình vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Động thái này được cho là sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.