Đời sống

Nhai cua sống "trả thù" cho con, người cha trẻ suýt mất mạng

Thấy con gái bị cua kẹp làm xước da, người cha thấy vậy liền bắt con cua, cắn và ăn sống nó để "trả thù" việc làm đau con gái mình.

Kênh truyền hình Chiết Giang, Trung Quốc mới đây đăng tải, người đàn ông tên Lu, 39 tuổi, kể lại trải nghiệm kinh hoàng của mình khi cắn và ăn một con cua sống.

Cụ thể, cách đây khoảng 2 tháng, khi ông Lu và gia đình ở cạnh một con suối thì con gái ông bị cua kẹp làm xước da. Người cha thấy vậy liền bắt con cua, cắn và ăn sống nó để "trả thù" việc làm đau con gái mình.

Sau đó không may ông Lu bị nhiễm ký sinh trùng từ con cua và phải nhập viện ở Tp.Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc điều trị. Tại viện ông được các bác sĩ xét nghiệm máu cho thấy có 3 loại ký sinh trùng khác nhau ở trong người.

Thời gian qua tại tỉnh Chiết Giang, người dân thường ngâm cua sống trong rượu để ăn. Tuy nhiên, các cơ quan y tế khuyến cáo không nên ăn cua hoặc các loại động vật có vỏ còn sống khác vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc mầm bệnh. Đó có thể là ký sinh trùng như giun, sán và vi khuẩn tả trong vùng nước nơi cua sinh sống.

Riêng với "cua ngâm rượu", báo Shanghai Daily cho rằng rượu không thể tiêu diệt tất cả vi khuẩn trong cua và điều này có thể dẫn đến bệnh đường ruột.

Trước đó vào hồi tháng 7/2018, một phụ nữ ở Trung Quốc phát video trực tiếp, quay cảnh mình cắn một con cua. Đột nhiên, con vật ngọ nguậy và dùng càng kẹp vào môi của người phụ nữ.

Những lưu ý khi ăn cua, ghẹ

Một số nơi hay ăn thịt cua ghẹ tươi sống, hoặc làm gỏi - ngon miệng nhưng rất dễ bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Đó là bởi trong cua ghẹ sống tồn tại một loại nang trùng hút máu (có tên lungfuke, cùng những loại sán lá gây bệnh) - nếu loại khuẩn này khi đi vào cơ thể sẽ vô cùng nguy hiểm cho phổi. Cua hay ghẹ có tính hàn mạnh, ăn nhiều dễ khiến lạnh bụng, đau bụng, đi ngoài. Ở một số người bụng yếu, chỉ cần ăn một con cua/ghẹ đã có thể bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy.

Có những món không nên ăn cùng cua, hoặc ăn trước hoặc sau khi ăn cua vì chúng kị nhau, như:

- Nước trà kỵ cua ghẹ, vì vậy trước và sau khi ăn cua ghẹ 1 giờ không nên uống trà bởi tác động làm loãng axit trong dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy.

- Quả hồng có chất tannin gây chát, khi gặp protein có trong thịt cua ghẹ sẽ chuyển hóa thành chất rắn, tồn đọng trong ruột rồi lên men, thối rữa bên trong gây đau bụng, tiêu chảy, hoặc hình thành sỏi bên trong.

- Cua ghẹ biển kỵ với kinh giới, do vậy không chế biến với kinh giới, hoặc không ăn cua ghẹ cùng kinh giới.

Để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh các triệu chứng dị ứng, ngộ độc rất cần thiết. Đặc biệt không nên cho trẻ ăn cua hay ghẹ khi trẻ còn quá nhỏ, hoặc chưa xác định được trẻ có bị dị ứng với cua, ghẹ hay không. Ăn cua ghẹ nhiều cũng không tốt, nên hạn chế ăn loại hải sản này thường xuyên.

Trúc Chi (theo Người Lao Đông, Gia đình và Xã hội)