Văn hoá

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: "Từ năm 14 tuổi, bố tôi đã tự học nhạc"

Tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình nghệ thuật Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những chia sẻ đặc biệt về người cha tài năng của anh.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt và hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận sắp tới.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I, khóa II, từ năm 1957 - 1983), ông đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I (năm 1996). 

Ban tổ chức thông tin về chuỗi hoạt động sắp tới của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, chương trình sẽ chuyển tới công chúng những cảm xúc âm nhạc sâu sắc, ấn tượng và cả niềm tôn kính với một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam.

“Các tác phẩm bất hủ từng chiếm trọn trái tim yêu nhạc cùa hàng triệu người qua các thế hệ sẽ được trình diễn dịp này, thể hiện với phong cách âm nhạc đương đại, mới mẻ của các nghệ sĩ nổi tiếng”, nhạc sĩ Đức Trịnh cho hay.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Tại họp báo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết, mang sẵn trong mình vốn liếng giàu có của âm nhạc cổ truyền, nhạc sĩ Đỗ Nhuận góp vào cuộc trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc với tác phẩm nhạc pop Đoàn lữ nhạc mang đầy tinh thần của phong trào thời đó.

Sau này, ông cũng đào sâu âm hưởng dân tộc để đưa vào sáng tác của mình, với tình ca cách mạng Áo mùa đông, hành khúc thuần Việt Hành quân xa, các giai điệu mang âm hưởng dân tộc Thái, Mông như Anh Pan về bản, hành khúc Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên như khúc khải hoàn của dân tộc...

"Ngay từ năm 14 tuổi, bố tôi đã tự học nhạc, ông biết chơi sáo trúc, tiêu, pipa, tứ tấu và pipa. Sau này, khi nhạc cải lương được nhen nhóm, ông cũng bắt đầu chạm ngõ tân nhạc, học guitar, banjo, harmonica, thu âm và viết nhiều thể loại âm nhạc.

Trong nhiều tác phẩm của ông, có thể kể đến Cô Sao, vở nhạc kịch opera đầu tay của nhạc sĩ và cũng là vở nhạc kịch đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, được công diễn đầu tiên năm 1965 tại Hà Nội. Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vở nhạc kịch được dàn dựng lại với một phiên bản mới ngắn gọn hơn. Cả hai lần công diễn đều do Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch thực hiện", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Bên cạnh hai tác phẩm Người tạc tượngNguyễn Trãi, opera Cô Sao - với chủ đề cách mạng giải phóng con người - đã trở thành mốc son ghi dấu trong sự nghiệp sáng tác của vị tổng thư ký đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Theo đó, chương trình nghệ thuật Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời được tổ chức vào ngày 25/12 tại Hà Nội. Ngoài chương trình nghệ thuật nói trên, dịp này, Ban tổ chức sẽ khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại quê hương ông - xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, sẽ có hội thảo khoa học Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời gắn với chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem Nhạc sĩ Đỗ Nhuận vào ngày 25/12.