Văn hoá

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhiều người không biểu diễn vẫn là NSND, NSƯT

Mới đây, dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng loại bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi hệ thống danh hiệu NSND, NSƯT. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có ý kiến về việc này...

Mới đây, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã không còn danh hiệu (Nghệ sĩ Nhân dân NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đối với nhạc sĩ, phát thanh viên như quy định hiện hành.

Theo Điều 64 của dự thảo luật đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang là Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông cũng có những ý kiến riêng của mình về việc gạt danh hiệu NSND, NSƯT với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Ngày 29/10, chia sẻ với Người Đưa Tin, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho hay: "Tôi cho rằng, chúng ta phải phân định rõ danh hiệu NSND, NSƯT là dành cho người làm công tác biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu. Nhưng thực tế diễn biến của các lần phong tặng vừa rồi, có nhiều người không biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, họ không tham gia biểu diễn múa, hát, kịch nói, kịch câm tuồng, chèo... thì vẫn nằm trong danh sách được nhận nghệ sĩ NSND, NSƯT. Ví dụ một người làm thiết kế mỹ thuật, phục trang, hoá trang cho sân khấu, cho phim ảnh nhưng vẫn được nhận các danh hiệu trên. 

Còn các phát thanh viên là người dùng giọng nói của mình để truyền đạt tin tức, đọc những mệnh lệnh, tiểu thuyết, chỉ thị, thông báo quan trọng của Đảng và Nhà nước cũng đã nhận được danh hiệu NSND, NSƯT. Chúng ta phải nhìn một cách rộng ra, xét toàn diện chứ không phải việc đưa người nọ người kia ra khỏi danh sách vinh danh. 

Nhạc sĩ là người sáng tác âm nhạc, bài hát. Người nhạc sĩ đã có hệ thống giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh rồi, nên nếu tác phẩm của họ tốt, có giá trị thì Đảng và Nhà nước sẽ tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước và cao hơn là Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm về danh hiệu NSND, NSƯT của nhạc sĩ hiện nay: "Trên thực tế, nhiều nhạc sĩ sáng tác, họ còn là người biểu diễn trên sân khấu, như chỉ huy dàn nhạc, tham gia công tác trực tiếp khác. Như NSND Trọng Bằng, ông là nhà chỉ huy âm nhạc lỗi lạc ở Việt Nam, ông được phong tặng NSND cách đây 30-40 năm nhưng gần đây vì cống hiến trong việc sáng tác nhiều tác phẩm không lời, giao hưởng thì Đảng và Nhà Nước xét tặng ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Theo thông tin trên thì đây không phải là việc gạt nhạc sĩ ra khỏi danh sách NSND, NSƯT mà phải xét cụ thể hoạt động của họ trong lĩnh vực nào. Đã gọi là nghệ sĩ thì phải có tài năng, phải đứng lên sân khấu thể hiện tài năng như hát, múa, biểu diễn, ít nhất cũng như người dùng giọng nói của mình để truyền đạt tư tưởng, tình cảm tác phẩm văn học. Câu chuyện này chúng ta phải bàn và minh bạch.

Gọi là nhạc sĩ nhưng họ hoạt động trong lĩnh vực nào? Chỉ sáng tác hay cả biểu diễn nữa? Như nhạc sĩ Trọng Đài - nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, anh ấy được tặng danh hiệu NSND không phải là việc lên sân khấu biểu diễn mà là qua việc chỉ đạo nghệ thuật. Hiện nay, quy định của mình vẫn là tính điểm cộng dồn huy chương nên anh ấy vẫn được xét danh hiệu NSND. Nếu ghi hẳn ra, NSND Trọng Đài là Chỉ đạo nghệ thuật thì người ta xoá danh xưng nhạc sĩ đi cũng được, nhưng không có nghĩa rạch ròi: Đã là nhạc sĩ thì không thể trở thành NSND".

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, không nên bỏ xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT đối với phát thanh viên.

"Tôi ủng hộ việc Phát thanh viên, trí thức dùng giọng nói của mình biểu đạt ngôn ngữ, văn bản thì vẫn gọi là nghệ sĩ. Từ trước đến nay, thế giới họ cũng vinh danh nhiều nghệ sĩ là phát thanh viên như thế. Ở Việt Nam, có ai thay thế được giọng nói hào sảng: Đây là tiếng nói Việt Nam - phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Người đó phải là nghệ sĩ. Đến lúc nào đó, người ta có thể dùng trí óc nhân tạo, dùng giọng nói nhân tạo, nhưng không ai có thể thay thế được nghệ sĩ đọc bản nhạc, bài thơ, thậm chí bài cáo phó trên Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, bởi phát thanh viên nói ra bằng tâm hồn, cảm xúc, tình cảm của mình" - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thẳng thắn cho hay.