Giáo dục

Nhà xuất bản than khó nếu bị áp giá trần sách giáo khoa

Theo đại diện nhà xuất bản, SGK không phải là khoản phí lớn so với các chi phí khác, các phụ huynh không nên sử dụng quá nhiều sách tham khảo.

Để đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục đã nỗ lực trong việc hoàn thiện biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo đúng yêu cầu của chủ trương và thực tiễn đối với từng khối lớp.

Đến nay, các SGK xã hội hoá đã được đưa vào sử dụng tại các trường phổ thông đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10; SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang biên soạn.

Thời điểm hiện tại ngoài những kết quả đã đạt được, vẫn cần nhìn lại những cái khó, điểm hạn chế trong quá trình biên soạn SGK

NXB không chủ động số lượng SGK

Đưa ra những thông tin về quá trình tổ chức biên soạn SGK thời gian qua, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Hiện tại theo Chương trình GDPT 2018 ở một môn học có nhiều sách giáo khoa khác nhau, từ đó giúp giáo viên có thể lựa chọn những bộ sách phù hợp để giảng dạy.

Mặc dù có nhiều cuốn SGK với đa dạng cách viết và tiếp cận nhưng đều phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, phải được Hội đồng sách Quốc gia thông qua mới có thể áp dụng cho học sinh”.

Ông Lê Hoàng Hải cũng bày tỏ cái khó khăn lớn nhất của đơn vị xuất bản cho lần thay SGK này đó là mặt thời gian, “Có những lần thay sách tuần tự từng lớp một, hoặc hai lớp một năm, nhưng lần thay sách này đồng loạt ở ba cấp học cho nên có khối lượng lớn công việc từ biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành”.

Cùng với đó do thực hiện một chương trình nhiều SGK nên các NXB phải cạnh tranh lẫn nhau và có thêm hoạt động giới thiệu sách, tập huấn giáo viên và các công tác thị trường liên quan đến phục vụ cung ứng đủ SGK.

Học sinh được trải nghiệm đa dạng các bộ SGK khác nhau.

Lý giải về việc thiếu SGK trong thời gian qua, ông Hoàng Hải phân trần: “Vì từng trường, từng địa phương lựa chọn những tên SGK khác nhau cho nên NXB khó khăn trong việc nắm bắt được các trường dùng SGK của mình hay không, từ đó ảnh hưởng đến thống kê số lượng in ấn phát hành”.

Ở đây đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng chỉ thiếu SGK cục bộ do việc đổi mới chương trình còn khá mới mẻ.

“Nếu như trước kia chỉ dùng một bộ SGK trên cả nước và một NXB chỉ cần dựa vào số lượng học sinh để chủ động cung ứng SGK. Nhưng với chương trình hiện nay trường đó học SGK nào đó là thông tin NXB phải đi tìm kiếm, hoặc chờ thông báo của địa phương từ đó mới thông kê số lượng.

Ngoài ra, quyết định lựa chọn và đăng ký số lượng của các địa phương thường là muộn, các NXB hết sức nỗ lực nhưng không đủ số lượng, kịp thời như trước kia”, ông Hoàng Hải giải thích.

Thậm chí năm nay ở lớp 10, có những môn và chương trình tự chọn đến khi khai giảng nhà trường cùng với học sinh quyết định học môn nào khiến cho sách chưa thể in kịp.

Chia sẻ thêm về tính toán giá sách, ông Hoàng Hải khẳng định sau năm đầu tiên, NXB đã cố gắn giảm giá SGK. Đối với SGK lớp 3,7,10 năm nay NXB Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm 5-10% mọi chi phí để hạ giá sách khoa.

Cần có những quy định cụ thể trong định giá SGK.

Áp giá trần dễ khiến NXB bù lỗ

Ở góc độ khác, đánh giá về chủ trương xã hội hoá SGK, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết: “Trước kia, Bộ GD&ĐT tổ chức, tác giả viết sách, nhà xuất bản biên tập sau đó đưa đi duyệt rất đơn giản. Nhưng bây giờ một bộ SGK phải qua nhiều vòng thẩm định, dạy mẫu, dạy thực nghiệm, vậy mà vẫn còn nhiều sai sót để biết rằng bộ sách trước kia cũng còn nhiều lỗi sai”.

Trước những băn khoăn việc giá thành SGK hiện nay có sự đội giá, ông Ngô Trần Ái bày tỏ: “Cách đây 15 năm, bộ sách lớp 3, lớp 7 chỉ có 50.000-100.000 đồng, nhưng bây giờ là cái giá đó là 200.00 đồng. Nghĩ lại như vậy không phải là đắt, trái lại SGK các nước trên thế giới như Singapore, Ấn Độ, Malaysia cũng có biểu giá khá cao”.

Đối với việc Bộ Tài chính đề xuất cần định giá SGK, đại diện NXB cũng kiến nghị nên xem xét cẩn trọng, “Nguyên vật liệu bây giờ cao hơn trước kia, 1 tấn giấy Bãi Bằng bây giờ đã cao hơn cách đây 5 năm từ 25-30%. Chúng tôi mong muốn đề xuất một cái giá hợp lý. Nếu áp một cái giá sẽ khiến cho các đơn vị xã hội hoá rất lúng túng. Dễ dẫn đến nguy cơ lỗ, không có tiền bù”.

Ở đây, đưa ra giải pháp giảm gánh nặng chi phí học sinh, đại diện NXB cũng cho rằng nên có các tủ sách giáo khoa cho học sinh mượn, huy động các nhà hảo tâm, nhà xuất bản hỗ trợ để cho các học sinh nghèo có sách học.

“SGK không phải là khoản phí lớn so với các chi phí khác, các phụ huynh không nên sử dụng quá nhiều sách tham khảo vì SGK chỉ có 7 NXB nhưng sách tham khảo có đến trên 30 NXB”, ông Ngô Trần Ái bày tỏ.

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy dự thảo về Luật giá sửa đổi. Dự thảo lần này cũng đưa ra khỏi danh mục hàng hoá và dịch vụ định giá của Nhà nước đối với 15 mặt hàng chưa bảo đảm 4 tiêu chí của dự thảo luật.

Bộ Tài chính theo đó đang nghiên cứu để đưa thêm vào danh mục quản lý của Nhà nước đối với 5 nhóm mặt hàng mới gồm: sách giáo khoa, dịch vụ thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, hàng hoá phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh do Nhà nước sản xuất, vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.

Việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá đã được Bộ GD&ĐT đề xuất từ năm 2020, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.