Giáo dục

Nhà trường cần là nơi học sinh chia sẻ tâm tư

Để giải tỏa những tâm lý học đường, các trường cần đẩy mạnh hỗ trợ tâm lý, lắng nghe ý kiến của học sinh.

Nắm bắt những khó khăn, thay đổi trong tâm lý của học sinh sau thời gian học trực tuyến, chiều nay (23/5) Phòng GD&ĐT Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức tọa đàm Kết nối và sẻ chia nhằm hỗ trợ, chia sẻ những vướng mắc mà các em đang gặp phải.

Tọa đàm nằm trong nhiều hoạt động của quận Hoàn Kiếm triển khai liên quan đến vấn đề tâm lý học đường của học sinh. Đây được hy vọng là cầu nối giữa phụ huynh, học sinh, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cũng thấu hiểu và hành động.

Đặc biệt, các nhà trường trên địa bàn cũng nhân rộng và vận hành phòng tham vấn tâm lý trường học; mỗi giáo viên chủ nhiệm cũng là những chuyên gia tâm lý, kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý hằng ngày của học sinh.

Buổi tọa đàm diễn ra cởi mở với nhiều câu hỏi của học sinh và phụ huynh

Tại buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; TS.Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT Quận Hoàn Kiếm, và thầy cô giáo các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Vương Hương Giang bày tỏ: “Trong quá trình trưởng thành, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất hay thành tích, mà cần quan tâm nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần tạo ra môi trường hạnh phúc cho cả người dạy và người học. Do đó, việc xây dựng trường học hạnh phúc và phát triển phòng tham vấn học đường có vai trò vô cùng quan trọng”.

Đây là cơ hội để nhà trường, phụ huynh lắng nghe tâm tư của các con

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng mong muốn rằng, thông qua việc giao lưu chia sẻ, các em học sinh có thể thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng nhất giá trị của bản thân mình, để các em luôn thấy xung quanh các em là bạn bè, thầy cô, cha mẹ, những người luôn đồng hành và cũng luôn sẵn sàng thay đổi để làm bạn với các em.

Trước nhiều những băn khoăn của các bậc phụ huynh và học sinh tại buổi tọa đàm về vấn đề áp lực thi cử, tâm sinh lý tuổi dậy thì, nhận biết tâm lý học sinh, lắng nghe và thấu hiểu giữa phụ huynh và học sinh.

Cùng trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Trần Thành Nam, Chuyên gia tâm lý, giảng viên Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giải đáp những cách đồng hành cùng con, kiểm soát tâm cảm xúc, tâm lý. Đặc biệt là những tình huống liên quan đến học tập, quyền riêng tư của các con để giúp cha mẹ và học sinh có thể cùng thay đổi giúp con phát triển.