Xu hướng thị trường

Nhà thầu thi công BOT dính lùm xùm tại cao tốc nghìn tỷ

Liên quan đến vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 34.000 tỷ đồng nhưng mới thông xe hơn 1 tháng đã xuất hiện vết sụt lún, tối qua (14/10), bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thay thế nhà thầu thi công .

Thi công cao tốc trọng điểm: Sụt, lún sau 1 tháng thông xe

Cụ thể, trong văn bản gửi chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa của dự án.

“Chấn chỉnh thay thế ngay các nhà thầu sửa chữa, vá víu mặt đường tạm bợ, thủ công...” – văn bản nêu rõ.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện nhiều "ổ trâu", "ổ bò" ngay sau khi vừa thông xe

Trước đó, ngày 11/10, bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của hợp đồng, khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, thực tế công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt đường bê tông nhựa của nhà thầu thực hiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (vá víu thủ công...), không tổ chức phân luồng giao thông và bố trí rào chắn, thiết bị cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công sửa chữa; công nhân thi công không có thiết bị bảo hộ lao động; thiếu sự kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các bên có liên quan...

Được biết, công ty Tuấn Lộc là 1 trong 2 nhà thầu thi công chính của dự án cao tốc có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng này.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban Quản lý dự án cao tốc, đoạn Km25+060 - Km28+760 do công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là nhà thầu thực hiện nằm trong Gói thầu 4 (Km21+500 – Km32+600). Tổng gói thầu này do liên danh Cienco 4 – tổng công ty Xây dựng Sông Đà – tổng công ty Xây dựng Thăng Long – công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện theo Hợp đồng số 24/HĐXD-VEC/2014 ngày 22/4/2014 giữa tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và liên danh tổng công ty Sông Đà - Cienco 4 - tổng công ty xây dựng Thăng Long - công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Giá trị hợp đồng này là hơn 2.000 tỷ đồng với tiến độ thực hiện từ năm 2014-2015.

Nhắc đến Tuấn Lộc, đến nay ít người không biết tên tuổi doanh nghiệp của “ông trùm” BOT xứ Nghệ Trần Tuấn Lộc, mặc dù còn non trẻ nhưng đã ghi dấu ấn ở những công trình thuộc loại “khủng” trên khắp cả nước.

Công ty Tuấn Lộc được thành lập vào năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch, bê tông cốt thép…

Từ năm 2015-2016, Tuấn Lộc nổi lên như một "ngôi sao mới" của ngành xây dựng cầu đường, thâu tóm và chi phối nhiều tên tuổi như: Tổng công ty Công trình Giao thông 4 - Cienco 4 (sở hữu 51,5% cổ phần, hiện nay đã thoái vốn), tổng công ty xây dựng số 1 (sở hữu 38%)... và mới đây là "nhảy" vào góp vốn tại "ông trùm" thi công hạ tầng phía Nam là công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng TP.HCM (CII) (sở hữu 12,5%).

Tuấn Lộc cũng đang là cổ đông lớn của Cảng Nghệ Tĩnh khi sở hữu 18,1% vốn điều lệ công ty, chỉ đứng sau tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu 51%.

Nhiều vết bong tróc rất nghiêm trọng

Trước khi tham gia thi công dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, doanh nghiệp này đã tham gia thực hiện nhiều dự án lớn như: Dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai; dự án đầu tư xây dựng KCN Tuấn Lộc- khu kinh tế Đông Nam – tỉnh Nghệ An, dự án cầu Sài Gòn 2, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án cầu Cổ Chiên (tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng), đặc biệt là dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 14,6 nghìn tỷ đồng…

Doanh nghiệp hiện cũng đang sở hữu các công trình nước như nhà máy Xử lý Nước Sông Lam (Nghệ An), nhà máy Xử lý nước hồ Cầu Mới (Đồng Nai), nhà máy Xử lý nước thải 6A Nhơn Trạch (Đồng Nai), nhà máy nước Pleiku…

Nhiều dự án lùm xùm, rúng động dư luận

Mặc dù ghi dấu ấn ở nhiều dự án hạ tầng thuộc loại đình đám song “ông trùm” BOT này cũng từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực bởi không ít lùm xùm.

Tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới do chủ đầu tư là liên danh Cienco 4 – công ty Tuấn Lộc – công ty Trường Lộc, Thanh Tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong đó có sai phạm về góp vốn. Theo đó, Cienco 4 góp toàn bộ số vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án là 350 tỷ đồng, các công ty Tuấn Lộc và Trường Lộc không thực hiện góp vốn. Hay nói cách khác, công ty Tuấn Lộc và Trường Lộc đã “tay không làm BOT”, dù không góp một đồng vốn nào những vẫn được góp mặt trong liên doanh chủ đầu tư dự án BOT đình đám trên.

Ông trùm BOT Tuấn Lộc của doanh nhân 8X xứ Nghệ Trần Tuấn Lộc là chủ đầu tư của nhiều dự án "khủng" trên khắp cả nước.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cũng từng bị người dân phản đối kịch liệt vì chủ đầu tư chỉ nâng cấp cải tạo một đoạn 7km tại quốc lộ 3, song song với xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới nhưng lại đặt trạm thu phí ở hai nơi.

Sau đó Thanh tra Chính phủ khẳng định, nội dung quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở hai nơi là không hợp lý, sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu theo quy định pháp luật.

Tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mà Tuấn Lộc là 1 trong 6 chủ đầu tư, công trình này cũng vướng lùm xùm vì chậm tiến độ, bị dân biểu tình vì thu phí giá cao, từng đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ hợp đồng BOT giữa chừng để đấu thầu lại dự án do nhà đầu tư không huy động được nguồn tín dụng phục vụ công tác thi công…

Sau khi thâu tóm Cienco 4 vào cuối năm 2014, Tuấn Lộc bị lộ diện là ông chủ thật sự của doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam này khi nắm hơn 51% vốn điều lệ của Cienco 4. Cienco 4 cũng từng vướng lùm xùm đối với các dự án BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, trong đó người dân phản đối vì thu phí cao, thu phí cả tuyến đường tránh dù người dân không sử dụng đường BOT… Tuy nhiên, tới giữa năm 2016, công ty Tuấn Lộc đã thoái vốn khỏi Cienco 4.