Văn hoá

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thẩm định bảo vật quốc gia rất chặt chẽ

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về quá trình thẩm định, bảo vệ 238 bảo vật quốc gia nhân dịp những di sản này được giới thiệu trong một bộ lịch chào năm 2023.

Ngày 26/9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã Lễ ra mắt và giới thiệu bộ lịch blốc năm 2023 với chủ đề Bảo vật quốc gia.

Đây là 1 trong 3 bộ lịch blốc đặc biệt, ấn tượng mà Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm nay và bộ lịch này thực sự là một vật phẩm văn hóa có giá trị đặc biệt, bởi nó hàm chứa cả một nguồn tư liệu phong phú, đồ sộ về những sự kiện, nhân vật lịch sử, về các triều đại, về các bước phát triển của nền kinh tế, về đời sống văn hóa tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng, thậm chí cả những sinh hoạt đời thường của người dân qua từng thời kỳ kể từ khi các vua Hùng dựng nước, lập quốc.

Bộ lịch blốc năm 2023 với chủ đề Bảo vật quốc gia, sẽ giới thiệu 238 di sản của ông cha để lại.

Bộ lịch Bảo vật quốc gia giúp người xem hình dung tổng thể bức tranh về lịch sử, nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với những dấu mốc là 238 bảo vật quốc gia. Trong bức tranh toàn cảnh đó, từng trang lịch đều có thể xem như một bức tranh với những hình ảnh, hoa văn họa tiết được các họa sĩ vẽ lại bằng tay trên nền ý tưởng của chính bảo vật được giới thiệu trong đó, thực sự là cả một sự đầu tư vô cùng công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ. Xuyên suốt bộ lịch là gam màu vàng, đỏ đun đã góp phần khiến cho bộ lịch trở nên mang hơi hướng hoài cổ và hết sức sang trọng, cuốn hút.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay: "Những bảo vật quốc gia được NXB lựa chọn thực sự đã phản ánh sinh động, đầy đủ những giá trị di sản cha ông chúng ta để lại. Giúp chúng ta thêm hiểu, thêm yêu, và thêm quyết tâm gìn giữ văn hóa đất nước.

Trải qua một quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài, cha ông ta đã để lại một kho tàng đồ sộ và vô giá những di sản văn hóa dân tộc, trong đó kết tinh cao nhất ở các bảo vật quốc gia. Giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị những bảo vật này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng, đặc trưng văn hóa của dân tộc, mà còn tạo cho chúng ta một hành trang tinh thần và một tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển kinh tế đất nước.
 
Chính vì thế, tôi đánh giá cao sáng kiến phát hành Bộ lịch Bảo vật quốc gia này. Đây cũng là một việc làm hết sức có ý nghĩa để chúng ta cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhằm khai thác và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.

 
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thì chia sẻ về những bảo vật quốc gia: "Với những người quan tâm đến lịch sử, di sản của Việt Nam thì rất chú ý đến những bảo vật quốc gia, cách bảo tồn tốt nhất là nâng cao ý thức của người dân, biết giá trị của bảo vật và cùng tham gia bảo vệ những bảo vật ấy. Tôi tin, bộ lịch blốc sẽ được nhiều người quan tâm. Qua nhiều lần thẩm định, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 238 bảo vật quốc gia, đó là nỗ lực của nhiều người, của giới sử học. 
 
Chúng ta không những bảo tồn những di sản đã có mà chúng ta còn tiếp tục phát hiện những di sản, bảo vật của từng gia đình, từng địa phương. Để có những hình ảnh đẹp của các bảo vật, đảm bảo mỹ thuật tối thiểu là cực kỳ khó khăn, vì bảo vật nằm rải rác ở cả nước, nhiều cơ sở khác nhau bảo quản và chịu quy định về pháp lý chặt chẽ, có những nơi để hiện vật di sản có 2 chìa khoá, hai người chứng kiến mới được mở ra. 
 
Sau khi bảo vật được địa phương hay chủ sở hữu trình lên, qua thẩm định của tỉnh, chúng tôi phân công chuyên gia đánh giá, rồi mới trình lên Bộ VH,TT&DL và Thủ tướng Chính phủ. Việc thẩm định bảo vật quốc gia rất chặt chẽ. Bảo vật quốc gia có thể là những vật rất quý gia như bằng ngọc, vàng, có những cái khổi lượng rất lớn như xe tăng, máy bay nhưng có những cái rất bình thường như những tờ giấy mỏng... nhưng lại chứa đựng những thông tin quan trọng, văn kiện lịch sử... Việc đánh giá cần cẩn trọng, lâu dài".
 
PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho hay, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với biết bao thăng trầm, biến động, đã tạo nên một bản sắc văn hóa Việt Nam vô cùng đặc sắc và giàu có. Bộ sưu tập những trang sử vàng của dân tộc ta đến nay vẫn đang tiếp tục được bồi đắp, ngày càng phong phú, đồ sộ.
 
"Trong đó, mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử lại được ghi dấu bởi những hiện vật mang giá trị đặc trưng riêng, mà một số hiện vật đặc sắc, tiêu biểu, quý giá trong đó đã trở thành “bảo vật quốc gia”, trở thành những hiện vật mang tính biểu tượng cho cả dân tộc.
 
238 bảo vật quốc gia được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận từ năm 2012 đến nay là những vật chứng vô giá về từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định của dân tộc, nhưng khi được xâu chuỗi, sắp đặt trong một hệ thống tổng thể, chúng tạo thành một nền tảng vững chắc, là sự biểu hiện rất rõ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Với những thông tin về các Bảo vật quốc gia, bộ lịch này đã không đơn thuần chỉ là một cuốn lịch mà còn là một sản phẩm văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại" - Ông Tuấn bộc bạch.