Thế giới

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị pháo kích, IAEA tiến hành thị sát

Tổng Giám đốc IAEA cho biết đang chuẩn bị tiến hành các chuyến công du tới Nga, Ukraine để thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ngày 20/11, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM (Pháp), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 20/11 cho biết, ông đang chuẩn bị tiến hành các chuyến công du tới Nga và Ukraine để thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

“Tất nhiên, tôi sẽ tới Ukraine, tới Nga và tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, ông Grossi nhấn mạnh. Người đứng đầu IAEA cho rằng “hiện giờ nhiệm vụ cấp bách là tạo ra một khu vực an ninh xung quanh nhà máy”.

Ông Grossi cũng cho biết, nếu tình hình cho phép, các chuyên gia của cơ quan này dự kiến thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong ngày 21/11 để đánh giá thiệt hại sau các vụ pháo kích mới nhất. Ông Grossi cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động “gây quan ngại” này.

Trước đó, IAEA cho biết, hơn chục vụ nổ làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã xảy ra trong tối 19/11 và ngày 20/11.

Moscow và Kiev đổ lỗi cho nhau tấn công cơ sở này như nhiều lần trước đây.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng thông tin về các vụ nổ cực kỳ đáng lo ngại: “Các vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân lớn như vậy là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bất kỳ ai đứng sau cũng phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các người đang chơi với lửa”.

Dẫn thông tin từ đội quản lý nhà máy, nhóm chuyên gia IAEA tại thực địa cho biết đã có hư hỏng với một số toà nhà, hệ thống và thiết bị, nhưng không phải những phần thiết yếu đối với an toàn và an ninh hạt nhân.

Các đợt pháo kích lặp đi lặp lại nhằm vào nhà máy ở miền Nam Ukraine gây lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố tương tự thảm hoạ Chernobyl chỉ cách đó 500km vào năm 1986.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 điện cho Ukraine trước khi xung đột xảy ra và đã nhiều lần phải hoạt động dựa vào máy phát điện dự phòng.

Các lò phản ứng đã được tắt nhưng có nguy cơ nhiên liệu hạt nhân có thể trở nên quá nóng nếu điện dùng để chạy hệ thống làm mát bị cắt. Các đợt pháo kích đã nhiều lần làm đứt dây điện.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tiền Phong)