Đời sống

Nhà hàng bị điều tra vì "thách" khách hàng ăn 108 chiếc sủi cảo

Một nhà hàng đã bị điều tra sau khi quảng bá thử thách ăn 108 chiếc sủi cảo để đổi lấy bữa ăn miễn phí và những phần thưởng khác.

Chính quyền thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đã tiến hành điều tra một nhà hàng địa phương sau khi nghe tin cơ sở này đưa ra “Thử thách vua bụng to”, CNN đưa tin ngày 9/7.

Theo thử thách này, những người tham gia phải ăn 108 chiếc hoành thánh hoặc sủi cảo cay càng nhanh càng tốt để giành được một bữa ăn miễn phí và các giải thưởng khác.

Nhà hàng đã quảng bá thử thách trên phương tiện truyền thông xã hội, thu hút sự chú ý của Cục Quản lý thị trường. Cơ quan này tuyên bố sẽ điều tra xem liệu nhà hàng có vi phạm luật chống lãng phí thực phẩm của Trung Quốc hay không.

Trong khi những thử thách về ăn uống khá phổ biến ở các nước phương Tây và có thể khiến các nhà hàng trở nên nổi tiếng thì các cuộc thi như thế này có thể trở thành vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc.

Nhiều người dân Trung Quốc vẫn còn giữ nguyên ký ức về nạn đói vào thập niên 1950 và 1960, ước tính khiến 45 triệu người thiệt mạng.

Nhà hàng ở Nghi Tân nằm trong số những đối tượng bị điều tra vì tội lãng phí thực phẩm.

Được biết, Luật chống lãng phí thực phẩm chính thức có hiệu lực năm 2021, theo sau sự chỉ trích của chính quyền Bắc Kinh đối với những blogger phát trực tiếp cảnh tượng họ nhồi nhét thức ăn vào miệng một cách vô tội vạ để câu view. Nhiều tài khoản người dùng mạng xã hội đã bị chặn vì lý do này.

Theo luật, chủ nhà hàng có thể bị phạt tới 10.000 nhân dân tệ (gần 33 triệu đồng) nếu có hành vi “lôi kéo hoặc đánh lừa khách hàng gọi món quá mức gây lãng phí rõ ràng”.

Các đài phát thanh và truyền hình cũng như những nền tảng cung cấp video và phát thanh trực tuyến đối mặt mức phạt cao gấp 10 lần con số trên nếu bị phát hiện can dự vào hoạt động làm nội dung, phát hành, quảng bá các chương trình hoặc những thông điệp cổ súy ăn uống vô độ.

Một số người dùng mạng xã hội cho rằng trong khi chống lãng phí thực phẩm là cần thiết, giới hữu trách Trung Quốc nên tập trung hơn vào vấn đề an toàn thực phẩm, sau khi nước này xảy ra các vụ bê bối sữa bột trẻ em và dầu ăn "bẩn".

Minh Hoa (t/h)